Tri Tôn triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Kinh tế - Xã hội

Tri Tôn triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

28/08/2023

Tri Tôn là huyện miền núi, biên giới, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhiều tôn giáo, nằm ở phía tây tỉnh An Giang, dân số toàn huyện 117.712 người, tổng số hộ 33.544 hộ, trong đó có 11.166 hộ Khmer. Toàn huyện có 2.900 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,65%, 3.780 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,27%.

Responsive image

Huyện Tri Tôn được Thủ tướng Chính Phủ công nhận huyện nghèo tại Quyết định số 353 ngày 15/3/2022. Huyện có 5 xã đặc biệ khó khăn là Núi Tô, Ô Lâm, An Tức, Châu Lăng, Lê Trì và 04 khóm, ấp gồm khóm Tô An, Tô Lợi, Sóc Triết thuộc thị trấn Cô Tô và khóm An Bình thuộc thị trấn Ba Chúc thuộc khóm, ấp đặc biệt khó khăn.

Căn cứ Nghị định số 07/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025, Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện Tri Tôn đã ban hành Quyết định 4172 ngày 09/9/2022 tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu đến cuối năm 2025 huyện sẽ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

“Trong này, giao Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện kết hơp với UBND các xã thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chế độ chính sách về công tác giảm nghèo, các điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo, mô hình làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, tổ chức đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo và thoát nghèo. Phối hợp cùng UBMTTQVN huyện và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động, chỉ đạo triển khai đến cơ sở, thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, tích cực tham gia thực hiện chương trình, dự án, xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, giúp đoàn viên, hội viên thoát nghèo; phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chương trình ở các cấp từ khâu bình xét hộ nghèo, hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm đến việc thực thi các chế độ, chính sách cho người nghèo”. Ông Trần Minh Giang - Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn thông tin

 Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trong 2 năm 2022 và 2023 của chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tri Tôn là 166 tỷ 895 triệu, trong này ngân sách trung ương là 151 tỷ 723 triệu đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Nguồn vốn sự nghiệp đầu tư gần 45 tỷ 599 triệu, trong đó ngân sách trung ương gần 41 tỷ 489 triệu đồng. Tính đến giữa tháng 8/2023  đã giải ngân gần 87 tỷ 881 triệu đồng. Cụ thể thực hiện dự án 1 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn với tổng số vốn 105 tỷ 327 triệu đồng, huyện đã phân bổ thực hiện 21 công trình trên địa bàn huyện với số kinh phí đã giải ngân là 72 tỉ 186 triệu đồng. Về Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 có tổng số vốn 67 tỷ 725 triệu đồng phân bổ thực hiện 04 công trình, đã thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và.

Về dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã phân bổ vốn thực hiện cho các xã, thị trấn với tổng kinh phí 7 tỷ 068 triệu đồng, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có tổng số vốn 3 tỷ 100 triệu đồng đã triển khai thực hiện ở 2 xã Châu Lăng và Ô Lâm.

Riêng dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện đã tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm. Mở 07 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho người lao động; tuyên truyền các chính sách đào tạo nghề, đặc biệt là thông tin các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả để nhân rộng trên hệ thống đài truyền thanh huyện. Tổ chức 07 hội nghị triển khai và tập huấn công tác giáo dục nghề nghiệp.

 Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, huyện đã phê duyệt danh sách triển khai hỗ trợ cho 493 căn; Trong đó: xây dựng mới là 474 căn, sửa chữa 19 căn. Đến hiện tại, đã triển khai xây dựng 465/493 hộ; các xã, thị trấn đã giải ngân được 14 tỉ 743 triệu đồng.

 Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, huyện đã thực hiện Truyền thông Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 tại 15 xã, thị trấn. Thực hiện ký kết với Đài Phát thanh- Truyền hình An Giang xây dựng, sản xuất các sản phẩm truyền thông về giảm nghèo năm 2023. Về dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình, huyện đã tổ chức 05 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo và tổ chức thực hiện học tập kinh nghiệm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 15 xã, thị trấn và giám sát đánh giá kết quả thực hiện các công trình trên địa bàn huyện.

Ông Trần Minh Giang - Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2020 - 2025 được triển khai thực hiện với các giải pháp khá đồng bộ; lồng ghép các nguồn lực, dự án thực hiện giảm nghèo bền vững, giúp hội nghèo của huyện giảm hàng năm. Đầu giai đoạn 2021-2025, tổng số hộ nghèo của huyện là 3.586 hộ, tỷ lệ 10,74%; tổng số hộ cận nghèo của huyện là 3.411 hộ, tỷ lệ 10,22%. Đến hiện tại tổng số hộ nghèo của huyện là 2.900 hộ, tỷ lệ 8,65%, giảm 2,2% so với đầu giai đoạn; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm khoảng 18,77%; tổng số hộ cận nghèo của huyện là 3.780 hộ, tỷ lệ 11,27%. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ giảm từ 2% trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4% và tỷ lệ hộ cận nghèo của huyện sẽ giảm từ 1,5% trở lên”.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thiết kế cân đối, phù hợp, cơ bản đảm bảo hỗ trợ cho các đối tượng; việc bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của địa phương; phân cấp, quản lý cho địa phương trong thực hiện Chương trình góp phần thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra. Các dự án thuộc Chương trình được triển khai theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và do các hộ dân đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, từ đó góp phần vào thành công các 7 dự án đã triển khai.

Châu Phong

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===