Hiệu quả từ mô hình nuôi dê trong vườn xoài tại xã Ô Lâm

Nông - Lâm nghiệp

Hiệu quả từ mô hình nuôi dê trong vườn xoài tại xã Ô Lâm

06/10/2023

Dê là động vật có khả năng sinh sản nhanh và ăn được rất nhiều loại lá cây và cây cỏ. Do vậy, việc tìm nguồn thức ăn cho dê khá dễ dàng, nhất là đối với những hộ dân làm nghề vườn.

Responsive image

Tận dụng đặc tính này, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã tận dụng các loại cỏ, lá cây sẵn có trong tự nhiên và trong vườn cây ăn trái để chăn nuôi dê. Mô hình chăn nuôi dê theo hướng này đã khẳng định hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ dân có thêm được nguồn thu nhập khá tốt bên cạnh nguồn thu nhập chính từ làm vườn.

Mô hình nuôi dê trong vườn xoài được nông dân Bùi Xuân Điện tại ấp Phước Long, xã Ô Lâm triển khai nhiều năm nay. Anh Điện cho biết, vườn xoài của anh được trồng từ năm 2015 với diện tích 7 hecta, thời gian đầu anh tốn rất nhiều chi phí cho việc diệt cỏ trong vườn, thế nhưng từ năm 2017, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về các mô hình kinh tế nông nghiệp do ngành nông nghiệp địa phương tổ chức, anh Điện quyết định phát triển mô hình nuôi dê tận dụng nguồn thức ăn là cỏ mọc tự nhiên trong vườn xoài. Anh Điện cho biết thêm, nuôi dê theo cách của anh không tốn nhiều công chăm sóc nhưng đàn dê phát triển rất tốt, không bệnh, và đặc biệt là từ khi có đàn dê thì không chỉ không tốn chi phí phun xịt cỏ mà còn mang lại nguồn thu nhập tương đối khá cho gia đình anh.    

Anh Bùi Xuân Điện – ấp Phước Long, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn cho biết “Mỗi ngày, khoảng 3 giờ chiều là tôi thả dê ra ngoài để chúng vận động, ăn cỏ trong vườn xoài. Đến chiều tối, chúng tự động về chuồng nghỉ ngơi. Nhờ vậy, tôi không mất nhiều công sức chăn nuôi. Tuy nhiên, việc thả rông đàn dê đòi hỏi phải canh giữ cẩn thận, tránh dê đi sáng vườn rẫy của người khác phá hại hoa màu, ăn lúa của nông dân xung quanh”. 

Hiện tại, đàn dê của anh Điện luôn duy trì từ trên 60 con đến hơn 100 con, trong đó có khoảng 20 đến 30 dê sinh sản, còn lại là dê nuôi bán thịt. Nhờ nuôi theo hướng tự nhiên nên lượng dê thịt không đủ cung cấp cho các hàng quán cũng như người dân địa phương. Dê thịt từ lúc sinh ra cho đến lúc xuất chuồng là khoảng 14 tháng, mỗi con nặng từ 25 đến 30 kg, giá bán hiện tại là 120 ngàn đồng/kg. Bên cạnh bán dê thịt thì anh Điện còn cung cấp dê cái giống cho bà con trong vùng khi có nhu cầu với giá bán chỉ bằng dê thịt để khuyến khích bà con cùng nuôi để có thêm thu nhập. Từ cách làm hiệu quả của mô hình nuôi dê tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong vườn cây ăn trái của nông dân Bùi Xuân Điện, ngành nông nghiệp huyện đã có hỗ trợ để phát triển mô hình. Đồng thời, xã Ô Lâm cũng lấy mô hình kinh tế nông nghiệp này làm điển hình, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để bà con nông dân trong vùng tham khảo.

Dê nuôi nhốt trong chuồng cần 8 tháng là có thể xuất bán ra thị trường, trọng lượng mỗi con khoảng 80kg trở lên. Còn dê thả vườn thời gian xuất chuồng lâu hơn (khoảng 1 năm trở lên), trọng lượng mỗi con không đến 30kg. Dù vậy, đây cũng là lợi thế, bởi dê thịt chắc, bán được giá cao. Trong khi dê nuôi nhốt chuồng khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, dê thả vườn bán được khoảng 120.000 đồng/kg. Mặc dù giá cao, nhưng người dân, hộ kinh doanh ăn uống xã Ô Lâm và thị trấn Tri Tôn rất ưa chuộng, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ mô hình chăn nuôi này, mỗi năm gia đình tôi thu về lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng” Anh Bùi Xuân Điện, ấp Phước Long, xã Ô Lâm, chia sẻ thêm

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi dê bán chăn thả, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong vườn cây ăn trái của nông dân Bùi Xuân Điện tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn phù hợp với điều kiện địa phương. Mô hình còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc. Thành công từ mô hình đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân xã Ô Lâm.

Anh Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn cho biết hiệu quả của mô hình chăn nuôi dưới tán rừng giúp người dân các của xã  tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp, góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Sự kết hợp trên góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân bón cho các loại cây trồng khu vực chăn nuôi”.

  Để mô hình nuôi dê bán chăn thả ngày càng được nhân rộng và có hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn cần quan tâm tập huấn nâng cao kiến thức trong chăn nuôi cho người nông dân, đồng thời quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Châu Phong

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===