Hương vị ngày tết truyền thống tại Ba Chúc

Văn hóa, Thể thao, Du lịch

Hương vị ngày tết truyền thống tại Ba Chúc

11/01/2023

Một vòng quay nữa của đất trời, Xuân mới Quý Mão đã ở trước mắt. Những ngày giáp Tết Quý Mão, khi Ba Chúc tràn ngập bầu không khí chuẩn bị đón xuân mới. Sự ấm áp, nhộn nhịp, vẻ đẹp truyền thống chỉ có được đầy đủ ở Tết cổ truyền.

Responsive image

Không khí chào đón năm mới tại Ba Chúc – một thị trấn nằm giữa núi Dài và núi Tượng thật rộn ràng, đầm ấm. Tết là dịp để gia đình đoàn viên, con cháu về thăm ông bà, tổ tiên sau một năm đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, Tết cũng là dịp những người tay nghề thủ công tạo ra những món ăn mang hương vị đậm đà phong tục truyền thống tại Ba Chúc này.

Từ lâu, bánh phồng mì đã trở thành món ăn quen thuộc và nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, mộc mạc, gắn bó với người dân nơi đây. Hình ảnh và hương vị của chiếc bánh này đã in sâu vào trong tiềm thức của không ít người con của quê hương Ba Chúc. Thế nhưng, để chiếc bánh quê này luôn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, nhất là với thế hệ mới sinh bây giờ thì những người giữ lửa nghề đóng vai trò quyết định. 

Với chị Lê Thị Thảo, ngụ khóm An Hòa B, làm nghề làm bánh bánh phồng mì trên 10 năm. Cứ mỗi tết đến là gia đình chị Thảo lại tất bật cho ra hơn 1.000 chiếc bánh phồng mỗi ngày để phục vụ tết, số lượng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường và theo đơn đặt hàng của khách.

Chị Thảo cho biết cách làm ra những chiếc bánh phồng mì thơm ngon, chất lượng:

Đầu tiên, là chọn những củ khoai mì to, nhiều bột đem lột bỏ vỏ ngoài rồi rửa sạch. Sau đó, khoai mì được hấp chín, nếu luộc khoai mì sẽ bị nhão, rồi sau đó mình tước bỏ phần xơ ở giữa. Sau đó đem khoai mì đã chín cho vào máy xay với đường, sữa, dừa theo tỉ lệ nhất định. Bánh ngon hay không phần lớn được quyết định từ khâu xay theo tỉ lệ đã định. Đây được xem bí quyết và là khâu quan trọng nhất của nghề làm bánh phồng mì. Sau khi xay xong thì đem bột ra cáng thành từng chiếc bánh tròn trịa đặt váo giá phơi. Giá cả bánh phòng mỳ từ 150 – 200 ngàn/ 100 bánh, tết năm nay giá bán cao hơn năm trước do khoai mỳ tăng giá.”

Không chỉ riêng bánh phồng mì mang hương vị ngọt ngào, mà Ba Chúc còn là xứ sở của những làng nghề làm tương, tàu hủ phục vụ bà con trong dịp tết nguyên đán này. Vì người dân nơi đây theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và thường có phong tục ăn chay trong 3 ngày tết đầu năm.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, hiện đã 63 tuổi, ngụ khóm Thanh Lương, vốn có thâm niên trong nghề làm tương hột, còn gọi đậu tương. Mẹ chồng cô trước kia làm tương hột rất ngon, nổi tiếng trong vùng. Thuở mới về làm dâu, cô thường phụ giúp mẹ chồng làm một số công đoạn để làm nên những hạt đậu tương bùi ngon, mặn mà. Dần dà nghề làm tương hột thấm vào máu thịt, nên cô chọn nghề này để nối nghiệp gia đình. 

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, bí quyết làm tương hột được chị kế thừa từ mẹ chồng vẫn không thay đổi. Chính vì thế, mà những mẻ tương hột làm ra càng được nhiều người ưa chuộng. Người ăn mỗi khi nhìn ngắm, ăn những hột tương, cảm nhận vị thơm của tương, vị ngọt của đường, vị mặn của muối, vị bùi của đậu nành hòa nguyện trong từng muỗng tương, làm gợi nhớ đến hương vị quê xưa từ nhiều năm trước.

Cô Nguyễn Thị Tuyết,  cho biết:

“Để chuẩn bị tương hột cho những ngày tết, tôi phải chuẩn bị nguyên liệu nhiều hơn gấp đôi, gấp ba lần để bán cho khách đăt hàng trước và đem ra bán chợ tết. Tương hột được làm theo công thức mà ba mẹ trước đây từng làm. Nguyên vật liệu là những chất liệu dân dã, hoàn toàn từ thiên nhiên với đậu nành, muối, đem ủ lên men. Đủ ngày tháng tôi ra rửa sạch và bắt đầu thắng đường để sên tương … để giữ nguyên hương vị của những hột tương thì đây chính là bí quyết của gia đình tôi”.       

          Cuộc sống ngày càng bận rộn, không còn cảnh nhà nhà làm bánh, người người nấu bánh, mứt tết như xưa.

Chị  Nguyễn Thị Như Ngọc, người dân Ba Chúc chia sẻ:

“Ngày nay, trong ẩm thực ngày Tết có rất nhiều món ăn vừa ngon, lại vừa lạ miệng. Nhưng để có những hượng vị nồng nàn trong ngày Tết thì không thể không nhắc đến các món ăn quen thuộc đã có từ xa xưa. Một mùa xuân nữa lại về, thật may mắn đâu đó vẫn còn những bàn tay khéo léo, những tấm lòng tâm huyết, tha thiết giữ lại hương vị Tết cổ truyền.”

Thật may mắn là vẫn còn đó những bàn tay khéo léo, những tấm lòng tâm huyết, tha thiết giữ lại hương vị Tết xưa qua từng chiếc bánh, từng món ăn truyền thống. Để rồi, những ngày cuối năm, ghé ngang qua những nơi này, nghe hương vị đặc trưng của bánh phồng mì, mùi thơm của tương hột là những ký ức Tết xưa lại ùa về. Và trong câu chuyện đầu năm mới sẽ trở nên thân tình, ấm cúng hơn khi các món ăn truyền thống là món quà mang hương xuân, vị Tết. 

Tuyết Hạnh

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===