Tấm Gương Thầy Giáo Người Khmer, Hết Lòng Vì Sự Nghiệp Giáo Dục Tại Địa Phương

Người tốt - Việc tốt

Tấm Gương Thầy Giáo Người Khmer, Hết Lòng Vì Sự Nghiệp Giáo Dục Tại Địa Phương

18/11/2020

Thầy giáo Chau Phú Quý tốt nghiệp ngành sư phạm của trường Đại học An Giang vào năm 2008, là người con sinh ra tại vùng đất Tri Tôn anh hùng, thấu hiểu được những khó khăn, vất vả trong công tác giáo dục tại địa phương, và muốn mang kiến thức, con chữ của mình đến với các em đồng bào dân tộc Khmer tại xã Châu Lăng.

Responsive image

Thầy Chau Phú Quý đã chọn trường THCS  Châu Lăng, là nơi để mình dạy học, và gắn bó với ngôi trường này, đến nay cũng đã 12 năm. Với tính cách hòa đồng, cách dạy học giản dị, gần gũi, và dể hiểu, thây luôn được các em học sinh, được đồng nghiệp quý mến.

Được sự giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường, tôi đến gặp thầy Chau Phú Quý, hiện công tác tại trường THCS Châu Lăng, đến nay cũng đã được 12 năm, thấy dạy môn địa lý.  Khi tôi bước đến cửa lớp, nhìn thấy chiếc bảng có ghi dòng chữ “5 điều bác Hồ dạy”, lòng tôi lại xuyến xao, nhớ về một thời cắp sách đến trường của mình. Ở ngoài hành lang lớp học, là chỗ để giày dép của các em học sinh, tôi bước vào, các em nhỏ đứng dạy chào tôi, điều này làm tôi rất hài lòng và vui vẻ, bởi vì các em biết tôn trọng lễ phép, và nghe lời người lớn, thầy cô.Sau khi trao đổi đôi chút về công việc, tôi ngồi ở phòng tin học của trường, đợi thầy dạy xong tiết học của mình. Và rồi tiếng trống trường cũng vang lên, các em học sinh ùa ra như ong vỡ tổ, đứa thì đi bộ, đứa chạy xe đạp, có đứa thì được ba mẹ đứng chờ đón về ở trước cổng trường. Thấy Quý chào tôi, và rồi chúng tôi đã có cuộc trò chuyện tương đối dài, để hiểu rõ hơn về công việc thiêng liêng của nghề dạy học.

Phóng viên: Để các em học sinh được học tập tốt hơn, thì trong quá trình dạy học của mình, thầy có những kinh nghiệm gì?

Nhân vật: Trước khi nhận lớp dạy, tôi sẽ tìm hiểu về tình hình của lớp học đó, hoàn cảnh gia đình của từng đối tượng trong lớp học, trên cơ sở đó, mình sẽ áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau.

Phóng viên: Trong quá trình 12 năm dạy học, tại trường THCS Châu Lăng, thầy thấy được những khó khăn nào, khi mình dạy học cho các em học sinh là người dân tộc Khmer, thưa thầy?

Nhân vật: "Dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống của các em học sinh từng bước được nâng cao.  Tuy nhiên cũng còn nhiều gia đình trình độ học  vấn thấp, nên họ đi làm ăn xa trên Tp.HCM, Bình Dương, và gửi tiền về cho con ăn học, trong quá trình dạy học cho các em người Khmer, cái khó khăn là vốn từ các em còn yếu, thấy giáo giảng dạy, các em  vẫn nghe, vẫn biết, tuy nhiên mức độ hiểu còn chưa cao."

Thầy Chau Phú Quý là một giáo viên hăng say trong nghề nghiệp, bởi sự tận tụy, nhiệt tình, và các thành tích rất đáng tự hào mà thầy có được nhiều năm trong nghề dạy học. Một tấm gương nhà giáo tiêu biểu luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi vượt khó vươn lên trong công tác, với tấm lòng nhiệt tình, đã cống hiến nhiều năm trong nghề dạy học. Trong năm 2020, thầy Chau Phú Quý vinh dự nhận được bằng khen của  Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, vì "Có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học".

Cùng với việc dạy chữ, thầy Quý rất quan tâm tới việc dạy các em làm người, thầy thường cho học sinh trao đổi, phát biểu thông qua những tiểu phẩm, tình huống, câu chuyện có thật để giáo dục các em về ý chí, nghị lực, niềm tin, lòng bao dung nhân hậu,...

Thầy Chau Phú Quý cho biết thêm:  "Mình phải tự bồi dưỡng chuyên môn của mình bằng cách tham khảo các tài liệu, trên sách, báo đài, và thông tin truyền thông. Với sự phát triển của công nghệ, thì mình truy cập vào các trang mạng Internet, đọc báo và xem thời sự thường xuyên, để nắm những đổi mới của Chủ trương của Đảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước, đối với ngành giáo dục, kinh tế xã hội của địa phương, bên cạnh đó, mình sẽ trao đổi kinh nghiệm đối với các giáo viên khác trong nhà trường."

Bằng tình yêu nghề và sự nhiệt tình của tuổi trẻ, thầy Chau Phú Quý đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo. Mỗi giờ lên lớp, mỗi tiết dạy đều được thầy đầu tư công sức và nghiên cứu soạn giáo án phù hợp, sáng tạo. Bên cạnh đó, thầy luôn khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm từ các giáo viên đi trước, hoặc tự học, cập nhật kiến thức thông qua mạng Internet, Youtube....

Thầy  Chau Phú Quý chia sẻ cùng tôi :

"Tôi biết rằng, nghề sư phạm thì tôi phải sống mẫu mực, sống nguyên tắc, và phải là tấm gương để học trò noi theo. Nghề dạy học là nghề bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước, mà hiền tài là nguyên khí của quốc gia, đóng vai trò quan trọng, là chìa khóa, động lực cho sự phát triển KTXH đất nước".

Trường THCS Châu Lăng hiện có có tổng số 39 giáo viên, trong đó có 26 giáo viên nữ, và trường có 10 giáo viên là người dân tộc Khmer. Trong 39 giáo viên tại trường, có 38 đồng chí có trình độ Đại học, 1 đồng chí Cao đẳng. Trường THCS Châu Lăng thực hiện tốt công tác phát triển và duy trì số lượng học sinh. Công tác huy động trẻ ra lớp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chất lượng giáo dục- đào tạo ngày càng được củng cố và nâng cao chất lượng . Đội ngũ cán bộ giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tích cực học tập cũng như trình độ chuyên môn nghiệp, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu dạy và học. Cơ sở vật chất từng bước được nâng cấp, cải thiện.  Trong năm học 2019-2020, Trường THCS Châu Lăng trao giấy khen cho 77 em HS đạt danh hiệu HS giỏi cấp trường, 296 em HS khá,  đồng thời Trường THCS xã Châu Lăng còn có 2 HS đạt danh HSG cấp huyện. Tỷ lệ học sinh xét và công nhận tốt nghiệp  THCS  là 100%

Thầy Trương Văn Tùa- Phó hiệu trưởng, trường THCS Châu Lăng phát biểu :

" Tập thể giáo viên nhà trường là lực lượng tập thể trẻ, khỏe, có trình độ và chuẩn mực nghề nghiệp. Luôn là tấm gương để cho học sinh noi theo. Có tinh thần hòa đồng, hòa nhập, tạo sự gắn bó gần gũi với học sinh, hướng tới mục tiêu " Trường học thân thiện, học sinh tích cực. Và để nâng cao chất lượng giáo viên tại nhà trường, trong những năm qua,  nhà trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên tự học tự rèn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ chất lượng ở địa phương ngày càng tiến bộ."

Nghề dạy học là một nghề cao quý, trong hành trang vào đời ở mỗi người chúng ta, dù ở cương vị nào, lứa tuổi nào thì hình ảnh người thầy vẫn lung linh và đầy nhân văn cao cả.  Ai cũng từng mang theo bên mình những kỉ niệm sâu sắc với những người thầy, người cô của mình. Với tôi, thầy cô chính là người chắp cánh để ước mơ trở thành cô giáo của tôi luôn cháy bỏng. Xin chúc thầy Chau Phú Quý có thật nhiều sức khỏe, động lực, và tình yêu thương, để là người lái đò, chở từng con chữ trí thức, đến với nhiều thế hệ học sinh hơn nữa.

Minh Ngọc

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===