Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn giữ gìn và phát huy nhạc ngũ âm trong môi trường giáo dục

Văn hóa, Thể thao, Du lịch

Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn giữ gìn và phát huy nhạc ngũ âm trong môi trường giáo dục

28/12/2023

Nhạc ngũ âm là một loại hình mang đậm tính chất tín ngưỡng, gắn liền với nghi lễ và đời sống sinh hoạt của người Khmer. Với âm thanh trầm bổng, nhạc ngũ âm đã làm cho những điệu múa của đồng bào Khmer thêm uyển chuyển, cũng như góp phần tạo nên nét riêng, sinh động của âm nhạc truyền thống, khiến người xem say mê lạ thường.

Responsive image

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn, đã thành lập CLB nhạc ngũ âm, thu hút rất nhiều học sinh yêu thích nhạc ngũ âm đăng ký tham gia và đã biểu diễn ở nhiều sân khấu trong và ngoài huyện Tri Tôn, với những thành tích đáng tự hào. Nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer, không đơn thuần chỉ là âm nhạc, đó còn là giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, cần được lưu giữ và phát huy.

Em Hoanh Đa Lin - học sinh lớp 9A2 Trường phổ thông Dân tộc nội trú– THCS Tri Tôn, chia sẻ:“Em tham gia học nhạc ngũ âm được 2 năm, và em chơi nhạc cụ có tên là Rôneat-ak, hay còn gọi là đàn thuyền, và em thấy bộ nhạc cụ này cũng tương đối dễ. Thông thường thì mình sẽ học từ 1 tháng trở lên để biết chơi nhạc ngũ âm”.

CLB nhạc ngũ âm tại Trường phổ thông DTNT-THCS Tri Tôn, được thành lập vào năm 2020, và mỗi khóa học thường sẽ có từ 9 đến 10 em học sinh tham gia, mỗi em đảm nhận chơi một loại nhạc cụ trong dàn ngũ âm, nhưng phải biết cách phối hợp ăn ý với nhau ở mỗi bài hát, cũng như hiểu được cách hòa phối ghép bài của mỗi loại nhạc cụ. Trong những buổi biểu diễn hoặc luyện tập, dù ở khối lớp khác nhau, nhưng các em học sinh Khmer của Trường phổ thông DTNT-THCS Tri Tôn, có một điểm chung là yêu thích nhạc ngũ âm và cùng gắn kết để truyền lửa cho những bạn học sinh khóa sau. Muốn chơi được nhạc cụ này phải luyện tập và có niềm yêu thích âm nhạc truyền thống, bởi cái khó của nhạc ngũ âm là người học phải tập luyện thường xuyên. Ít nhất từ 1 tháng đến 1 năm mới có thể chơi được các điệu cơ bản.

Em Rum Chanh Tria, học sinh lớp 9A2 Trường phổ thông Dân tộc nội trú– THCS Tri Tôn, cho biết:“Em cảm thấy tự hào khi có thể chia sẻ bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với mọi người, và nhạc ngũ âm mang lại cho chúng em rất nhiều lợi ích, chúng em có thể hiểu rõ hơn về đặc tính của từng loại nhạc cụ, hiểu thêm và văn hóa dân tộc người Khmer, và nội dung, ý nghĩa nằm trong từng loại nhạc cụ”.

Trường phổ thông DTNT-THCS Tri Tôn cũng tạo điều kiện để con em đồng bào Khmer phục vụ nhạc ngũ âm, trong những dịp lễ lớn của trường như: Lễ khai giảng, kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, các lễ hội truyền thống của người Khmer. Thầy Tếp Si Pháth, giáo viên dạy âm nhạc, cũng là thầy Tổng phụ trách đội của trường cho biết: “Giáo viên luôn sắp xếp thời gian để hướng dẫn các em, Đối với các em học sinh của trường, thì tiếng nhạc ngũ âm như ngấm vào tâm hồn nên lúc nào cũng hăng say tập luyện”.

Thầy Tếp Si Pháth giáo viên âm nhạc, tổng phụ trách đội, tại trường phổ thông DTNT-THCS Tri Tôn cho biết: “Trong dàn nhạc ngũ âm thì có 5 bộ âm thanh, gồm bộ đồng, bộ sắt, bộ gỗ, bộ da, và bộ hơi, được thể hiện qua 7 đến 9 loại nhạc khí khác nhau. Theo tôi bộ hơi là khó chơi nhất, vì đòi hỏi người học phải có đủ sức khỏe, biết cách lấy hơi đúng chỗ, thì mới thành thục được nhạc cụ này”. Nhạc ngũ âm sử dụng trong các buổi lễ, nghi lễ tôn giáo của đồng bào Khmer, như: Lễ cúng trăng Ok Ôm Bok, Lễ Sene Dolta, Lễ Dâng y, Tết Chol Chnam Thmay. Việc truyền dạy nhạc ngũ âm cho các em học sinh đồng bào dân tộc Khmer, đối với tôi mang lại nhiều ý nghĩa, thông qua việc truyền dạy loại hình âm nhạc này, sẽ giúp các em cùng hòa quyện tâm hồn mình, kết nối cộng đồng dân tộc với nhau một cách tự nhiên, giúp các em biết bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

CLB nhạc ngũ âm của Trường phổ thông DTNT-THCS Tri Tôn, từ năm 2020 đến nay, đã dạy được 3 khóa học nhạc ngũ âm, ngoài biểu diễn ở trường, ở các dịp lễ, hội của đồng bào Khmer, thì còn biểu diễn tại các sân khấu lớn trên địa bàn tỉnh An Giang, và nhận được một số giấy khen, và giải thưởng như: giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh An Giang, vì đạt thành tích “chương trình văn hóa- nghệ thuật xuất sắc”; “Giải nhất thể loại nhạc hòa tấu”, tại hội thi ca múa nhạc ngành giáo dục tỉnh An Giang; thầy Tếp Si Phath của trường phổ thông DTNT-THCS Tri Tôn, nhận được giấy khen “ Dàn dựng chương trình hiệu quả”, tại liên hoan nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang, lần thứ XIII, năm 2023.

Thầy Tếp Si Pháth -giáo viên âm nhạc, tổng phụ trách đội, tại trường phổ thông DTNT-THCS Tri Tôn cho biết thêm: “Về mặt thuận lợi khi truyền dạy nhạc ngũ âm, đa số là các em học sinh còn trẻ tuổi, nên việc tiếp thu rất nhanh, và các em rất thích học loại hình nghệ thuật này. Tại địa phương, và các chùa trên địa bàn xã, đều có dàn nhạc ngũ âm, để thuận tiện cho việc dạy các em và những ngày cuối tuần, các kỳ nghỉ hè. Về mặt khó khăn, thì người truyền dạy nhạc ngũ âm tại địa phương chưa được truyền dạy qua trường lớp bài bản, đa số là học thuộc lòng theo hình thức ghi nhớ. Bên cạnh đó, khi đào tạo xong đội chơi nhạc ngũ âm, đa số các em học sinh không tham gia thường xuyên được, vì các em học sinh còn đi học, hoặc có em theo gia đình đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành phố”.

Ngày nay, đời sống xã hội có nhiều thay đổi, sức sống của nhạc ngũ âm không vì thế mà mất đi, ngược lại luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Với những nỗ lực bảo tồn, duy trì loại hình nhạc ngũ âm của người Khmer trong trường học, là điều đáng ghi nhận, bởi nhạc ngũ âm không đơn thuần chỉ là âm nhạc, đó còn là giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, cần được lưu giữ và phát huy. Nhạc ngũ âm là linh hồn trong bản sắc văn hóa Khmer, nên được phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng hôm nay và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Sự độc đáo và sức sống của nhạc ngũ âm, đã góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc nói riêng, và văn hóa của đồng bào Khmer nói chung.

Minh Ngọc

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===