Tri Tôn đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Văn hóa, Thể thao, Du lịch

Tri Tôn đa dạng hóa sản phẩm du lịch

22/08/2023

Sau khi tổ chức thành công sự kiện dù lượn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn, lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên vào dịp 2/9/2022, những hình ảnh đẹp về Tri Tôn xuất hiện trên các trang báo, các Fanpage, Facebook, các diễn đàn du lịch, các nhóm phượt khắp cả nước.

Responsive image

Hình ảnh những phi công xuất phát từ Phụng Hoàng Sơn, bay lượn tự do trên bầu trời, bên dưới là những ngọn đồi nhấp nhô, những thửa lúa chín vàng, những mảng rừng xanh, vườn cây ăn trái, con đường quê uốn lượn trở nên đẹp lung linh, tạo nên sức hút khó tả và thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan khám phá Tri Tôn. Tính chung trong năm 2022 huyện đón gần 1 triệu lượt khách; trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đón gần 600.000 lượt khách đến tham quan du lịch. Đây được xem là tín hiệu vui, chứng tỏ sự đầu tư đúng hướng của huyện.

Để ngành du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, tạo thu nhập cho người dân, thời gian tới tới huyện sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch đặc trưng của huyện gắn với bảo vệ môi trường nhằm tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch phát triển như:

Du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh; du lịch tâm linh: tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện. Trong năm 2023 sẽ cải tạo, sửa chữa Chùa Snaydonkum (Ô Lâm), với kinh phí 3.998 triệu đồng; Chùa Vân Long (Núi Tô), với kinh phí 7.480 triệu đồng. Dự kiến giai đoạn 2023 -2025 sẽ cải tạo Chùa Svaytanấp (Lương Phi),với kinh phí 3.996 triệu đồng; Tiếp tục triển khai dự án khu du lịch nông nghiệp và tâm linh Hồ Tà Pạ, khu du lịch Soài So,…

Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hiện nay có một số mô hình như: mô hình vườn nho 1,7 ha, mô hình trồng quýt đường kết hợp nuôi dê (xã Ô Lâm), điểm du lịch sinh thái tại rừng tràm Tân Tuyến, một số vườn cây ăn trái đang phát triển tại xã Lê Trì.

Cùng với việc phát triển du lịch tại Khu Liên hợp Văn hóa Thể thao Du lịch Soài Chek, xã Núi Tô, huyện đang triển khai một số mô hình trồng hoa tại xung quanh khu vực hồ Soài Chek nhằm tạo điểm nhấn trong việc kết nối liên hoàn tại cung đường du lịch trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Ông Trần Minh Giang - Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn  chia sẻ: “Đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, thể thao dân tộc như: đua bò, dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu, xe đạp, mô tô, ô tô địa hình…, tiếp đó huyện sẽ thành lập Trung tâm Huấn luyện bay Miền Tây để đào tạo, huấn luyện các phi công là con em Miền Tây tham gia bay biểu diễn trong các dịp ngày Lễ lớn, qua đó, giúp hoạt động được duy trì thường xuyên hơn thu hút người dân và du khách đến xem. Riêng dịp Sen đônta tới đây huyện Tri Tôn sẽ đăng cai tổ chức hội đua bò Bảy Núi. Và dự kiến nếu đảm bảo cơ sở vật chất sẽ tổ chức loại hình đua mô tô biểu diễn phục vụ bà con trong tháng 10 tới”.

 Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung phát triển các làng nghề truyến thống như: nghề nấu đường thốt nốt Và làm gốm ở xã Châu Lăng; nghề làm bánh phồng mì, đan đệm bàng ở thị trấn Ba Chúc; nghề uốn tầm vông và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây tầm vông ở xã Lương Phi; nghề làm cốm dẹp và bánh cà tum ở Ô Lâm. Cùng một số món ăn ngon mang nét đặc trưng được nhiều du khách biết đến như: Cháo bò, ếch nướng, gà đốt lá chúc, đu đủ đâm….

Huyện cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án lớn trên địa bàn huyện, cụ thể: Dự án Khu du lịch nông nghiệp và tâm linh hồ Tà Pạ, quy mô 200ha; Khu du lịch Soài So quy mô 40 ha. Song song đó, huyện từng bước kêu gọi đầu tư về các cơ sở vật chất, nhà hàng, khách sạn, homestay, địa điểm, đội ngũ chuyên nghiệp biểu diễn văn hóa đồng bào Khmer như: nhạc ngũ âm, múa dì kê, đầu tư dịch vụ vận chuyển xe bò, xe ngựa,....tạo sức hút khách về, ở lại Tri Tôn nhiều hơn, lâu hơn.

Châu Phong

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===