Làng nghề bánh phồng mì chuẩn bị vào vụ Tết

Văn hóa, Thể thao, Du lịch

Làng nghề bánh phồng mì chuẩn bị vào vụ Tết

18/12/2023

Tết nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn thị trấn Ba Chúc cũng đang tất bật để phục vụ nhu cầu thị trường. Dù tình hình tiêu thụ năm nay có phần kém “sôi động” hơn những năm trước đây, nhưng cơ sở bánh phồng mì Tư Ngàn vẫn đang chạy nước rút để chuẩn bị vào mùa vụ tết.

Responsive image

Cô Dương Thị Ngàn 71 tuổi chủ cơ sở Tư Ngàn, người làm bánh phồng mì hơn 50 năm

Để chuẩn bị cho dịp Tết, nghề bánh phồng mì Ba Chúc hoạt động vô cùng sôi nổi. Các gia đình và cơ sở tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các nguyên liệu chính như: khoai , đường, sữa được đảm bảo về chất lượng và số lượng. Điển hình là lò bánh phồng mì của cô Tư Ngàn - là cơ sản sản xuất “có tiếng” trong làng nghề, mỗi ngày cơ sở sản xuất lên đến gần 2000 bánh. Cô tư cho biết, trước đây, công đoạn làm bánh phồng mì bằng thủ công, nhưng hiện tại, cơ sở đầu tư máy móc thiết bị nâng cao năng suất. Do đó, nhân công cơ sở giảm, đa phần là người nhà phụ giúp.

Ngoài công việc sản xuất, các cơ sở còn tập trung vào công việc quảng bá sản phẩm của mình. Những chiếc bánh phồng mì được trưng bày tại các gian hàng chợ hay được đăng tải trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo. Điều này giúp bánh phồng mì ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách và người tiêu dùng.

Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình có hơn 100 năm, cô Dương Thị Ngàn, chủ cơ sở Bánh phồng mì Tư Ngàn bộc bạch: “Nếu mà kể ra cái làng nghề truyền thống, gia đình cô có từ thời bà ngoại trở về đây tính ra cũng cả 100 năm rồi, rồi truyền lại cho mẹ, mẹ truyền lại cho mình, cũng như qua thế hệ đời này đến đời khác nhưng mà ngày xưa mình làm thủ công rất đơn giản chỉ là bán vào ngày Tết và những dịp cúng kiến, còn bây giờ thì quảng bá lớn ra, bán cho du lịch, khách tham quan những người có nhu cầu thưởng thức. Ngoài ra, cô có gửi ra tiệm cô Kim Trung sẵn ngay mặt đường mình để vào đó trưng bày bán”.

Cứ  vào 12h đêm, cơ sở sản xuất bánh phồng Tư Ngàn lại đỏ lửa với mùi khoai mì thơm nức, đánh thức vị giác, để có được những chiếc bánh thơm ngon, quy trình làm vô cùng tỉ mỉ và công phu.

Cô Tư Ngàn cho biết thêm: “Trước tiên, mình phải lột mì rửa sạch, rồi đem ngâm, mình ngâm xong rồi khuya mình rửa sạch lại bỏ vào hấp cách thủy, lót vĩ ở dưới và để nước vào và đặt khoai lên trên. Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ củ khoai đã chín xong rồi đem ra gỡ sơ ở giữa của củ mì, rồi lấy bốt ra xay, xay xong rồi cho gia vị vào như đường, sữa vào rồi mình nhồi, khi nhồi cho dẻo tay, vừa cán thì mới đem ra cán, cán xong rồi mình chất lên vĩ lưới của lò sấy. Bán từng chiếc 4000 đồng một cái, có năm nguyên liệu tăng lên thì mình lên, nguyên liệu như cũ thì mình giữ nguyên giá”.

          Cứ đều đặn mỗi ngày, những chiếc bánh phồng mì nóng hổi, thơm phức ra lò vào lúc 5h sáng để kịp chuyển cho các đơn hàng ở nhiều nơi. Để thưởng thức đúng điệu hương vị bánh quê thơm ngon mà rẻ, thực khách sẽ cuốn tròn miếng bánh lại như bánh kẹp, rồi đưa lên miệng cắn rứt ra từng miếng, nhai thật lâu để tận hưởng vị thơm béo của sữa, vị ngọt bùi của khoai mì, vị thanh thanh của đường cát hòa quyện tứa ra trên đầu lưỡi, một hương vị đậm đà khó tả. Đặc biệt, ngày Tết, gia đình sum họp, bạn bè gặp nhau hàn huyên bên ly trà nóng với miếng bánh phồng mì, hồn quê như đâu đó trở về. Nhớ đến món bánh phồng mì truyền thống âu cũng chính là nhớ về nguồn cội quê hương.

Hiện, các điểm sản xuất bánh phồng đã bước vào cao điểm. Tùy điều kiện cơ sở vật chất và thị trường tiêu thụ mà mỗi điểm cho ra lò số lượng hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nghề làm bánh phồng vào vụ Tết không chỉ tăng thu nhập cho các hộ gia đình và cơ sở sản xuất vào dịp cuối năm mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống và hương vị Tết quê.

Huỳnh Nga

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===