Người “chèo đò” hết lòng vì học sinh

Người tốt - Việc tốt

Người “chèo đò” hết lòng vì học sinh

02/11/2022

Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, cô Phạm Thị Ngò, giáo viên Trường Tiểu học Lê Trì - Tri Tôn An Giang, luôn tâm huyết với nghề và hết lòng dạy dỗ giúp đỡ các em học sinh, nhất là những em học sinh yếu, những em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Bằng sự nhạy bén và khả năng chuyên môn vững vàng, cô đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác giảng dạy được học trò và đồng nghiệp tin yêu, quý mến.

Responsive image

          Năm 2006, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô theo nghề giáo viên và bén duyên với công việc giảng dạy học sinh lớp 1 cho đến nay, cô luôn phấn đấu không ngừng hoàn thiện bản thân. Ngoài giờ lên lớp, cô còn tự trau dồi, học tập thêm kiến thức trên internet, sách vở, bạn bè đồng nghiệp. Những kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy luôn được cô truyền đạt theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực tư duy và nhất là đam mê trong từng môn học. Cô Ngò cho biết: “Đối với học sinh yếu, không riêng gì bản thân chị, mà tất cả các anh chị em trong khối cũng có hình thức như là nhắc nhở thường xuyên, trong từng buổi học thì gọi lên phát biểu nhiều lần để tiếp thu bài, cuối buổi học thì thường kèm thêm 15 hay 20 phút, hoặc là trái buổi thì gọi zalo để ôn bài cho các em, nói chung nhiều hình thức để các em tiếp thu bài”.

          Là một trong những giáo viên trẻ của trường, cô luôn nỗ lực hết mình với công tác sư phạm, cùng tập thể giáo viên nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Theo cô, việc quan trọng nhất của một giáo viên là những giờ lên lớp, làm thế nào để có những giờ học hay, tạo hứng thú, say mê với các em học sinh. Với suy nghĩ đó, cô đã tự tìm hiểu, nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học để làm sao có được những bài giảng thực sự hay, hấp dẫn, phát huy tố chất, năng khiếu của từng học sinh, truyền cho các em nhiệt huyết, ngọn lửa đam mê tiếp thu tri thức. Cô cho biết thêm: “Các em còn nhỏ, mà vùng của mình lại là vùng dân tộc nửa nên đôi khi mình nói ngôn ngữ của mình các em không hiểu mình phải dùng cử chỉ hành động ví dụ mình kêu giơ bảng thì các em không hiểu phải cầm bảng giơ lên các em mấy hiểu, nói chung là khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ.”

          Trong công tác chủ nhiệm, cô luôn dành nhiều thời gian lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em học sinh. Cô không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò là người chị, người bạn và người mẹ để chia sẻ những điều học sinh cần, hoặc những vấn đề vướng mắc các em gặp phải trong cuộc sống. Bằng sự thấu hiểu, quan tâm học sinh như chính người thân trong gia đình mình, cô đã dìu dắt và giúp đỡ nhiều em học sinh nghèo, không phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình.

          Trong những năm tháng cống hiến cho nghề, cô đã nhanh chóng khẳng định khả năng của bản thân. Với những kiến thức đã được trang bị ở trường sư phạm, những kinh nghiệm đúc kết từ thực tế và sự học hỏi không ngừng từ đồng nghiệp và các thế hệ đi trước, cô đã đạt được các danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, bằng khen tỉnh, liên đoàn lao động, năm rồi tuy tình hình dịch bệnh nhưng cô vẫn đạt được giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, các phong trào đồ dùng dạy học, nói chung những phong trào của ngành cô đều tham gia và đạt giải từ thấp đến cao. 

          Tình yêu nghề, mến trẻ luôn là động lực để mỗi giáo viên vượt qua những khó khăn để cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Cô Ngò thực sự là một tấm gương sáng về lòng nhân ái, góp thêm một điểm sáng trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hồng Như

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===