Hiệu quả từ những lớp xóa mù chữ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Khoa học - Giáo dục

Hiệu quả từ những lớp xóa mù chữ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

23/11/2023

Từ chỗ không viết được tên mình, đến nay nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trên địa bàn xã Châu Lăng, đã đọc được khá trôi chảy sách giáo khoa cấp 1, cũng như ghi được họ, tên của mình. Đó chính là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự hiệu quả của các lớp học xóa mù chữ cho người trên 16 tuổi tại xã Châu Lăng.

Responsive image

Được sự giới thiệu của ông Kim Seng- Chủ tịch MTTQ xã, đồng thời cũng là Phó chủ tịch hội Khuyến học xã Châu Lăng, chúng tôi tìm đến tham dự, ngồi nghe giảng tại lớp học xóa mù chữ cho người trên 16 tuổi tại xã Châu Lăng, vào lúc 19h tối, khi gác lại công việc đồng áng, các học viên “đặc biệt”, lại cắp sách, tập đến trường, trên hành trình tìm đến con chữ của mình, bản thân mỗi người dân mang trong mình 1 câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều mong muốn được biết đọc, biết viết, và vươn lên thoát nghèo. Cuộc sống ruộng đồng, làm bạn với cây thốt nốt quanh năm, từ khi còn là đứa trẻ, khi đã ngoài 50 tuổi, ông Chau Ra Béch, 53 tuổi, ngụ ấp Phnom-Pi, xã Châu Lăng vẫn không biết đọc, biết viết. Việc tính toán đối với ông Ra Béch chỉ là tính nhẩm những phép tính đơn giản để phục vụ trong cuộc sống hằng ngày như mua mớ rau, cái áo, cái quần, bán nông sản vừa thu hoạch. Nhưng khi được đi học tại lớp học xóa mù chữ, cuộc sống của ông Chau Ra Béch như được "sang trang mới".  

Ông Chau Ra Béch cho biết: “Tôi làm đường thốt nốt với làm ruộng, lúc nhỏ tôi theo cha mẹ đi qua Hậu Giang, ngày xưa cha mẹ tôi cũng khổ, đi bắt cá, hái rau sống qua ngày, gia đình khó khăn nên lúc nhỏ tôi không được đi học. Công việc của tôi hiện tại cũng ổn định, làm đường thốt nốt bán vào mùa khô, từ khoảng tháng 10, tháng 11 trở đi là bắt đầu làm, bên cạnh đó là trồng lúa, làm ruộng được 8 công ruộng”.

Những ngày đầu, khi lãnh đạo UBND xã Châu Lăng, phối hợp các giáo viên, Trung tâm học tập cộng đồng, đến vận động tham gia lớp học xóa mù chữ, nhiều người lớn tuổi trên địa bàn xã Châu Lăng, không tin bản thân có tiếp thu được bài học. Thế nhưng, nhờ sự kiên trì, gần gũi của các giáo viên tuyên truyền, vận động ngày này qua ngày khác, đồng bào người Kinh, và Khmer trên địa bàn xã Châu Lăng đã vui vẻ đồng ý đến lớp. Những ngày đầu tiên mới làm quen với nét chữ, con số, mọi thứ thực sự khó khăn.

Bà Néang Kim Danh, 52 tuổi, ngụ ấp An Thuận cho biết: "Chẳng biết học được nhiều không, nhưng tự mình có thể viết được họ tên của mình tôi thấy vui, thấy ham và muốn tiếp tục đi học. Tôi đi mần mướn, mỗi ngày được khoảng 150-180 ngàn đồng, ai kêu gì làm đó, lúc nhỏ cha mẹ nghèo quá nên tôi không có tiền đi học, cha mẹ tôi hồi xưa làm nồi đất bán. Tham gia lớp học này đến giờ cũng biết đọc được được rồi, thầy dạy cũng nhiệt tình”.

Lớp xóa mù chữ tại xã Châu Lăng, học viên có nhiều độ tuổi khác nhau. Sáng đưa con, cháu đến trường, thì cha mẹ, ông bà lên rẫy, làm ruộng, hoặc buôn bán, chăn nuôi; đến tối con, cháu học bài ở nhà, là lúc cha mẹ, ông bà đến lớp học xóa mù chữ. Trước không biết chữ, không tiếp cận được với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, họ ngại động chạm đến kê khai giấy tờ, thậm chí không làm giấy khai sinh cho con. Giờ đây đa phần người dân đã tự tin hơn rất nhiều khi tham gia các hoạt động xã hội.

Thầy Chau Sỏi- người phụ trách một trong các lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã Châu Lăng, chia sẻ :“Những khó khăn bước đầu khi tham gia dạy học tại lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã Châu Lăng, tôi thấy rằng khó khăn là giữa thầy và học viên khó khăn trong giao tiếp ban đầu, học viên đa số là những người lớn tuổi, khả năng tiếp thu chậm. Khó khăn kế tiếp, là nói về hoàn cảnh của từng học viên, đa số đều là hộ nghèo, cận nghèo, nhiều khi bận việc nên không tham gia lớp học được thường xuyên. So với những buổi đầu đi học, hiện tại tôi thấy lớp học xóa mù chữ trên địa bàn xã Châu Lăng, học viên đã bắt đầu đi học thường xuyên hơn, vắng có xin phép, tiếp thu bài khá tốt, thường xuyên trao đổi bài trong lớp học. Nhờ sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Châu Lăng, đặc biệt là Trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện mở lớp, để đồng bào dân tộc Khmer có cơ hội biết chữ. Lớp học mang lại cho học viên nhiều bổ ích, nghe, hiểu được báo, đài, tin tức, hoặc giao tiếp tốt hơn với đồng bào người Kinh”.

Xã Châu Lăng có 2 lớp học xóa mù chữ tại các điểm trường, lớp mở vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 4 hằng tuần, bắt đầu khai giảng từ ngày 14/8/2023, khóa học kéo dài trong 5 tháng, sau 5 tháng hoàn thành và kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ xóa mù chữ khi vượt qua các bài kiểm tra theo quy định. Những bàn tay thô ráp chỉ quen với cái cuốc, cái cày, nay đã cầm cây viết, nắn nót ghi từng cái chữ, con số, với mong muốn viết và đọc thành thạo tiếng phổ thông, để biết nhiều hơn, để học hỏi thêm cách phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Bà Lê Huỳnh Ngọc Lý- Phó chủ tịch UBND xã Châu Lăng cho biết: “Mục đích của lớp học xóa mù chữ này, góp phần giúp cho người dân trên địa bàn xã Châu Lăng, nâng cao trình độ hơn, để hiểu biết, giúp người dân nắm bắt được sự phát triển bên ngoài của xã hội, để từ đó cải thiện được cuộc sống, và làm gương cho con cháu noi theo. Các ngành, đoàn thể, ban ấp trên địa bàn xã Châu Lăng phối hợp nhiệt tình, để tạo điều kiện cho người dân tham dự các lớp xóa mù chữ. Thời gian học cũng tạo điệu kiện cho bà con Nhân dân vào buổi tối, và các thầy giáo cũng nổ lực, cố gắng truyền đạt dễ hiểu cho bà con nắm bắt chữ. Trong quá trình học tập, người dân được hỗ trợ tập, viết, thước, các điều kiện tối thiểu tham gia quá trình học tập xóa mù chữ”.

Từ những lớp học này, cùng với nỗ lực tuyên truyền của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xã Châu Lăng, các nhà trường, giáo viên đã làm thay đổi rõ rệt tư tưởng của người dân. Khi trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer được nâng lên, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân dễ dàng hơn, nhất là truyên truyền, vận động xây dựng Nông thôn mới, đời sống văn minh, cho con em đến trường. Thời gian tới, các ngành, địa phương tích cực hơn nữa trong việc quản lý địa bàn dân cư; tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng việc biết chữ. Bên cạnh đó, xã Châu Lăng cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng gia đình hiếu học, cá nhân hiếu học, cộng đồng khuyến học, góp phần xây dựng, giảm tải việc mù chữ trong xã hội. Lớp học xóa mù chữ, là nội dung trong Tiểu dự án 1 của Dự án 5, thuộc Chương trình quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025.

Minh Ngọc

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===