Lương An Trà đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Nông thôn mới

Lương An Trà đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới

15/12/2021

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, chính quyền và nhân dân xã Lương An Trà tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng, từng bước hoàn thiện và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu của xã nông thôn mới. Diện mạo nông thôn xã Lương An Trà đã thay đổi rõ rệt, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tăng lên.

Xác định vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, xã Lương An Trà chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia quyết tâm giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, biểu dương kịp thời các tập thể, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhiều đóng góp tích cực cho việc duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, các nguồn vốn phân bổ được sử dụng, hỗ trợ đúng mục đích, đã giúp cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập gia đình. Ngoài ra, xã còn chú trọng công tác dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Hàng năm, xã phối hợp các ngành huyện tổ chức mở lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất giúp hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập bằng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Qua đó, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn xã chỉ còn 42 hộ nghèo và 135 hộ cận nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, hộ nghèo là 66 hộ, chiếm tỷ lệ 3,15%, hộ cận nghèo là 136 hộ, chiếm tỷ lệ 6,5%

 Người dân đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và thay đổi tập quán canh tác cũ. Sử dụng các giống mới có năng suất, sản lượng cao, các ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp được nhân dân áp dụng từ khâu làm đất, gieo sạ, cho đến khâu thu hoạch sản phẩm. Triển khai thực hiện nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và thương mại. Xã cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu giảm nghèo, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn...

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, các công trình phúc lợi xã hội, trường học khang trang, kiên cố, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng, các tuyến đường ngày càng sạch, đẹp. Đó là thành quả sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Lương An Trà trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, toàn xã có 3.810 lao động có việc làm trong tổng số 4.229 lao động trong độ tuổi có khả năng lao động, đạt 90,1%. Số người tham gia bảo hiểm y tế trên tổng số người thường trú thực tế 7.203/8.083 người, chiếm tỷ lệ 89,11%.

Đồng chí Trần Văn Cường – Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Lương An Trà chia sẻ:

“Để đạt được mục tiêu đề ra, xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của cùng tham gia xây dựng cũng như nâng chất các chỉ tiêu nông thôn mới. Đồng thời, nâng cao tinh thần của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nêu cao tính tự giác, gương mẫu trong thực hiện chủ trương để người dân hưởng ứng. Đặc biệt, xã đã nỗ lực huy động nguồn lực xã hội thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo chu đáo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua”.

Với thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, xã đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xã tích cực vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhau và với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, từ khâu cung cấp giống, kỹ thuật cho đến thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đang được nông dân địa phương thực hiện và nhân rộng. Nhờ chung tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Sang Sang

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===