Bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng
18/03/2024
Trời nắng nóng và sự thay đổi nhiệt độ ngày, đêm là một trong những nguyên nhân gây bệnh, nhất là các đối tượng trẻem và người cao tuổi. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các bệnh như: sốt virus, viêm đường hô hấp, tiêu hóa, viêm da phát sinh. Trước tình trạng số người bệnh nhất là trẻ em phải đi khám, điều trị có chiều hướng gia tăng, các bác sĩ có những khuyến cáo để người dân bảo vệ sức khỏe, ứng phó với thời tiết nắng nóng.
|
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng tại thị trấn Ba Chúc ở nhiệt độ cao, người dân địa phương thường cảm thấy nắng nóng, khó chịu đặc biệt là với những người lao động thường xuyên ở ngoài trời. Từ hơn 10h sáng, người dân ra đường phải mặc áo khoác, bịt khẩu trang kín đáo để bớt đi sự nắng nóng, người lưu thông trên các tuyến đường phải tấp vào lề tìm bóng râm để tránh ánh nắng gay gắt. Chị Nguyễn Thị Trúc Mai ngụ tại khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc chia sẻ cảm nhận: “Mình thấy dạo này thời tiết nắng nóng hơn so với bình thường. Khi đi làm ở ngoài đường thì mình cũng có dùng những biện pháp như: bịt khẩu trang, bao tay, mặc áo khoác để phòng chống các bệnh ngoài da”.
Vào thời điểm tháng 3, tháng 4 hằng năm thì cực tím tại Nam Bộ khá cao, người dân phải đối diện với điều kiện thời tiết tia UV luôn duy trì ở mức trung bình từ 6 đến 8 và có thể cao hơn. Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cảnh báo, diễn biến nắng nóng xuất hiện trở lại, xu hướng gia tăng ở một số nơi trên khu vực ĐBSCL. Có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ 35 – 36 độ C trong những ngày tới. Cùng với đó, độ ẩm không khí của vùng tương đối thấp từ 30 – 50%. Thời điểm này khi ở ngoài trời quá lâu, chúng ta rất dễ bị say nắng và mắc phải các bệnh thường gặp trong thời tiết oi bức này. Theo bác sĩ Trần Thanh Sơn – Trưởng Trạm Y tế thị trấn Ba Chúc để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng người dân cần thực hiện: “Đối với mùa này thì có một số bệnh chẳng hạn như là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, do những ngày nắng, ruồi đậu thức ăn này rồi đậu chỗ khác. Bệnh đường hô hấp cũng có, huyết áp. Đối với các bệnh vừa nêu chẳn hạn như: bệnh đường tiêu hóa thì nên ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi. Thức ăn còn thừa nên hâm nóng, đậy kín tránh ruồi bâu. Đối với ngoài cơ sở mua bán cũng phải thực hiện đúng theo quy định của VSATTP đó là biện pháp phòng tránh đối với bệnh đường tiêu hóa. Còn đối với bệnh đường hô hấp thời tiết nắng nóng và bụi dễ gây ra bệnh đường hô hấp do các vi trùng, virus gây ra, việc mang khẩu trang do tiếp xúc hay những người lao động trong môi trường bụi nhiều cũng hạn chế bệnh gây ra đường hô hấp. Riêng đối với việc bổ sung chất, người dân cần ăn đủ chất qua 4 nhóm thức ăn, thứ 2 uống nhiều nước. Cơ thể con người bình thường uống 1,5l có trong thức ăn và nước uống, trong mùa nắng nóng có thể bổ sung 2l nước 1 ngày để tăng lượng nước lên cho cơ thể đủ để hoạt động”.
|
Theo các bác sĩ những ngày nắng nóng, các bệnh về tim mạch và huyết áp tăng cao nhiều người có thói quen sau khi đi nắng sẽ vào phòng điều hòa quá lạnh hoặc sử dụng nhiều nước đá, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím sức đề kháng của trẻ em giảm dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải, bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh về hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản và bệnh lý về tiêu hóa gia tăng: tiêu đàm máu, tiêu chảy cấp, viêm ruột. Bên cạnh đó, trẻ mắc các bệnh lý về da như: nhiễm trùng da, viêm da, ban sởi cũng tăng nhẹ. Người cao tuổi có sức đề kháng kém cũng dễ mắc các bệnh: tiêu hóa, hô hấp, viêm xoang, viêm mũi, khó ngủ, đột quỵ trong thời tiết oi bức và nắng nóng như hiện nay.
Thời gian nắng nóng trong ngày kéo dài từ 12h trưa đến tận 16h chiều, vì vậy, người dân nên hạn chế ở ngoài trời vào thời điểm này, cần che chắn cẩn thận khi ra đường tránh tiếp xúc lâu với nắng nóng. Được biết đợt nắng nóng gay gắt có thể kéo dài đến những ngày đầu tháng 4, người dân cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trong đợt nắng nóng sắp tới.
Huỳnh Nga