Vất vả mưu sinh từ nghề chót cọng dừa

Văn hóa, Thể thao, Du lịch

Vất vả mưu sinh từ nghề chót cọng dừa

20/02/2023

Cuộc sống mưu sinh giữa thời buổi hiện đại chẳng lấy gì làm dễ dàng đối với những người không đất canh tác, không kiến thức, và đặc biệt đối với những người dân tộc Khmer do bất đồng ngôn ngữ nên họ rất khó để tìm được một công việc phù hợp tạo ra thu nhập, vì thế họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Responsive image

Lê Trì là xã miền núi nghèo, với hơn 60% dân tộc Khmer sinh sống, phần lớn họ làm nông nghiệp, những người không đất canh tác thì làm thuê mướn, một số người lớn tuổi lại đi hái rau dại để bán, cuộc sống vất vả bộn bề lo toan. Đến phum sóc hôm nay song song với sự phát triển thì còn đâu đó những hình ảnh người dân tất bật mưu sinh, đến đây cảm nhận thì mới hiểu thấu cuộc sống cơ cực của họ, đâu đó xa xa tôi nhìn thấy một người đàn ông đi trên chiếc xe đạp cũ kỉ chở đầy những bó lá dừa, tò mò không biết ông mang về để làm gì, tôi theo chân ông về đến nhà hỏi ra mới biết ông mang về để chót lấy cọng dừa đem bán.

Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết được người đàn ông ấy năm nay đã ngoài 65 tuổi mà còn phải lao động vất vả như thế, thật là thương cho một  hoàn cảnh như thế, và ông Chau Cu, ngụ ấp Trung An xã Lê Trì đã tâm sự, vì sinh ra và lớn lên trong gia đình là hộ nghèo, những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống vợ chồng ông, gặp không ít khó khăn, vì không vốn, lại không đất sản xuất. Vợ chồng ông phải làm thuê mướn để nuôi 3 người con đến tuổi trưởng thành. Đến nay các con ông đã lập gia đình và lên Bình Dương làm việc cuộc sống cũng không mấy gì dư dã, nên ở quê nhà hàng ngày ông cùng vợ phải làm lụng lo cho cơm ngày 2 bửa.

Đối với hoàn cảnh không đất sản xuất như ông, việc chót cọng dừa được coi là nghề nông nhàn, vừa không cần vốn, nhưng mang đến nguồn thu nhập nhưng quan trọng là phải có nguồn nguyên liệu, vì thế hàng ngày ông lặn lội khắp nơi tìm kiếm nơi nào có lá dừa, nhiều khi vườn ở xa thì ông cố chạy xe đạp đến, hay vườn nhiều rừng rặm cũng bỏ mặt nguy hiểm phải vào chặt. Tuy không giàu có nhưng nghề này giúp người lớn tuổi như ông, có được cuộc sống ổn định trong tuổi xế chiều.

          Để có cọng dừa mang đi bán, ông phải đến tận những vườn dừa để xin lá chở về nhà, sau khi mang về ông tướt bỏ phần lá sau đó cạo sạch lại rồi mang đi phơi cho thật khô, và mang đi bán cho những người bó chổi. Vất vả là thế nhưng số tiền kiếm được chả là bao nhiêu chỉ đủ để lắp đầy chiếc bụng đói mỗi ngày. Trao đổi với ông Chau Cu

PV: Cọng dừa sau khi mình chót xong thì bán được bao nhiêu 1 kg

NV: 1 kg bán được 10 ngàn nhưng phải phơi cho khô

PV: Lá dừa lấy từ đâu

NV: Đi xin người ta, ai đốn dừa thì mình xin

PV: Một ngày chú làm được bao nhiêu kg

NV: Được 5kg, mà bữa thì không được tại không có lá dừa

PV: Trước khi làm lá dừa mình làm nghề gì

NV: Làm mướn không hà ai mướn gì mình làm đó

PV: Ai chỉ mà mình đến với nghề này

NV: Tại thấy cái này dễ làm, già rồi mình đâu có làm được cái gì đâu, lúc trước đâu có ai làm mình làm giờ thấy làm được ai cũng làm theo

 Vất vả là thế, nhưng mỗi ngày vợ chồng ông phải tiện tặn thì mới đủ chi tiêu. Những giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống để đổi lại những bữa cơm no lại chính là niềm hạnh phúc vô bờ của những người lao động nghèo. Chẳng ước mơ về những điều lớn lao, chỉ muốn mỗi ngày có nhiều lá dừa để có công việc tạo ra đồng tiền trang trải cho cuộc sống.

Và trong dòng đời hối hả này, đôi khi chúng ta đừng bước đi vội vã, hãy chậm lại một chút thôi và hãy để tâm đến những người xung quanh biết yêu thương những hoàn cảnh bất hạnh, biết chia sẽ đối với những người cơ hàn, những người làm công việc tưởng chừng bình thường nhưng đó là nguồn sống của họ.

Hồng Như

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===