KINH LÁ BUÔNG- DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA ĐỒNG BÀO KHMER AN GIANG

Văn hóa, Thể thao, Du lịch

KINH LÁ BUÔNG- DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA ĐỒNG BÀO KHMER AN GIANG

30/05/2023

Những pho Kinh lá buông, di sản thành văn đầu tiên của Phật giáo Nam Tông. Ở Việt Nam, kinh lá buông của đồng bào Khmer là một trong những tài liệu quý, hiếm của Phật giáo Nam Tông. Nó được xem là minh chứng cho thời kỳ hình thành và phát triển của loại hình kinh điển Phật giáo. Kinh lá buông nằm trong hệ thống kinh lá phổ biến của Phật giáo vùng Đông Nam Á và Nam Á.

Responsive image

Thừa hưởng kỹ thuật biên kinh trên lá của các dân tộc Nam Á, cộng đồng người Khmer vùng biên giới của tỉnh An Giang đã không ngừng gìn giữ, lưu truyền và phát huy nghệ thuật độc đáo này qua nhiều thế hệ. Trong đó, có nhiều công đoạn, thao tác đã được cải biên và sáng tạo. Điều đó đã làm nên sự độc đáo trong kỹ thuật chế tác kinh lá buông của đồng bào Khmer ở An Giang.

Buông là một loại cây sống trên núi, cao như cây thốt nốt, nhưng lá dài và dày hơn, có nhiều lớp như ván ép. Đặc tính của lá buông là mịn, mềm và dễ viết. Khi lá khô trở nên nhạt màu, dai bền hơn, mỗi chiếc lá có thể cho thành 3 mảnh lá nhỏ để viết chữ, mỗi mảnh dài 5-6 tấc, chiều rộng 5 phân. Việc xử lý lá cũng công phu lắm mới có thể dùng lá viết kinh được.

Quá trình viết kinh hay còn gọi khắc kinh trên lá cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Nghệ nhân dùng loại bút chuyên dụng là một thanh sắt nhọn đầu để khắc. Về hình thức, kinh lá được khắc bằng hai loại chữ là chữ Pali và Khmer cổ. Nét bút tạo thành những rãnh sâu trên lá. Việc khắc trên lá phải đều tay, không được nhẹ quá vì như vậy nét chữ không rõ, mạnh quá thì làm cho lá bị rách. Khắc kinh xong, người viết lấy loại mực tự chế trộn với dầu xoa lên rồi chùi cho mặt lá sạch sẽ. Qua đó, chữ sẽ nổi lên. Kinh chép trên lá buông ít bị giòn vỡ hay mục rã theo thời gian, có thể lưu giữ hàng trăm năm. Nội dung kinh lá Buông ghi lại lời giảng của đức Phật, triết lý sống, những tri thức dân gian, những lời dạy của các bậc tiền bối, những câu chuyện đạo đức.

Hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang – Phó pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội phật giáo Việt Nam chia sẻ:“Hồi xưa do chưa có giấy viết để lưu trữ các kinh kệ nên ông cha ta đã nghiên cứu và biết được lá buông có thể sử dụng cho việc lưu trữ này. Trong khi đó hồi xưa thì cây buông ở vùng mình có rất nhiều, vì vậy họ đã có ý tưởng cắt lá buông đem phơi, nẹp làm rất bài bản để làm sao mà khắc được chữ. Các chữ khắc trên lá buông thường có nội dung liên quan đến kinh kệ, các nội dung này được khắc lưu trữ phục vụ cho việc học tập của sư sãi cũng như phật tử”.

An Giang là một trong những địa phương lưu trữ kinh lá buông nhiều nhất. Số lượng kinh lá buông được lưu trữ trong các chùa khoảng 108 bộ, với hơn 736 quyển kinh. Kinh được cất giữ rải rác tại các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, chủ yếu tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên như Prey veng, Xvoay ton, Soài So Tưm Nớp...

Kinh lá buông có vai trò đặc biệt với văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên, theo thời gian cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì kỹ thuật chế tác kinh lá buông hầu như bị lãng quên, những nghệ nhân chế tác kinh lá buông không còn nhiều. Việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo này đang là vấn đề cần quan tâm.

Hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang – Phó pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội phật giáo Việt Nam cho biết thêm: “Việc giữ gìn cùng như bảo tồn kinh lá buông thì không có gì khó lắm, chỉ cần có tủ kính lấy lá buông gói trong tấm vải cẩn thận đặt trong tủ không cho con mối tiếp xúc được thì có thể lưu trữ được hàng trăm năm mà không sợ bị mục giống như giấy bình thường.  Còn việc truyền dạy cho thế hệ sau, thì lúc sư tu được 5,6 năm khi đã học được cách khắc chữ trên lá buông, sư đã có ý tưởng dạy lại cho các sư khác trong chùa rồi. Lúc đó cũng kêu được 2 sư học cách khắc và cũng khắc được, nhưng được vài năm họ đã xuất tu, không có tập luyện lại nên không biết còn nhớ cách viết nữa không. Còn vào khoảng cuối năm 2013, Sở Văn hóa đã liên hệ với nhà chùa cùng phối hợp mở lớp dạy khắc chữ cho các sư ở chùa khác tham gia học, nguyên liệu được thì Sở Văn hóa cung cấp, lúc đó có 14 sư tham gia học”.

Nhằm góp phần phong phú nội dung và phát minh mới về di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Kinh Lá Buông - thư tịch cổ quý hiếm của Phật giáo Nam tông Khmer, vào ngày 11/5/2023 vừa qua, tại chùa Sà Lôn, thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban trị sự GHPGVN tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo Khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông,

Hội thảo có sự tham gia của gần 100 nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu văn hóa, viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được 71 bài tham luận và chia thành 3 nhóm chủ đề: Bối cảnh lịch sử ra đời và giá trị sách lá buông; Giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa sách lá buông và Thực trạng và giải pháp bảo tồn giá trị di sản kinh sách lá buông. Các tham luận gửi về hội thảo là sự đóng góp quý giá, làm sáng tỏ thêm không chỉ các vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản kinh lá buông, mà còn chỉ ra những giải pháp hữu ích để phát huy giá trị di sản, đồng thời đóng góp vào kho tàng công trình nghiên cứu về sách viết trên lá trên thế giới.

Châu Phong

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===