Đồng bào Khmer Châu Lăng, đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, tiết kiệm
10/04/2023
Đối với đồng bào Khmer, Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào trung tuần tháng tư hằng năm, là Tết đón mừng năm mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thêm một tuổi, thêm nhiều niềm hy vọng, sự may mắn, tốt lành. Cùng với đó là nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, mang đặc trưng của dân tộc Khmer theo phật giáo Nam tông, được diễn ra trong dịp tết.
Châu Lăng là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 65% tổng số dân trên địa bàn xã, có 9 chùa Phật giáo Khmer Nam tông, đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào, ngoài những ngày vui đón lễ, tết chung của đất nước, người Khmer còn có nhiều lễ hội, Tết truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Ngay từ những ngày đầu tháng Tư, không khí chuẩn bị đón Tết đã tràn ngập các phum sóc, thôn ấp. Các gia đình Khmer, ngoài giờ lao động, sản xuất, đều tranh thủ sửa soạn, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa khang trang sạch đẹp. Các nghệ nhân thì tập căn chỉnh dàn nhạc ngũ âm. Tết Chôl Chnăm Thmây thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày, trong những ngày này, mọi công việc ruộng đồng đều dừng lại, để mọi người Khmer được nghỉ ngơi, vui chơi, con cháu thì thể hiện sự cung kính đối với ông bà cha mẹ trong các ngày tết. Mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, nấu nướng thức ăn, mang theo nhang đèn và lễ vật đi chùa. Và món bánh không thể thiếu trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây là món bánh gừng, được làm bằng bột nếp, cứ 1 kg bột người ta trộn thêm từ 20 đến 30 quả trứng gà, dùng tay nhồi và nắn bột theo hình dáng củ gừng rồi đem chiên lên, sau đó nhúng vào đường cát đã thắng sền sệt, hình thành một lớp áo mỏng bên ngoài chiếc bánh. Ngoài để đãi khách, thì bánh gừng còn dùng để trang trí, góp phần thêm sự trang trọng trong những ngày tết, lễ của người Khmer. Bên cạnh đó, các ngồi chùa Phật giáo Khmer nam tông cũng đang trang trí để chào mừng năm mới, có chùa trang trí hình những chú thỏ mặc trang phục truyển thồng của người Khmer, có chùa trang trì sân khấu bằng những cuộn rơm, cắt tỉa lá cây thốt nốt thành hình trái tim, hay trang trí bằng các vật dụng như cái cày, cái thúng, đôi quang gánh, tất cả những vật dụng quá đỗi quen thuộc với công việc đồng áng, hay gắn liền với cuộc sống thường nhật của người Khmer hiền hòa, chịu thương chịu khó.
Trong tết cổ truyền của đồng bào Khmer, có 1 tập tục không thể thiếu là đắp núi cát được diễn ra trong chùa, có một số nơi dùng lúa để đắp thành núi, với mong muốn mưa thuận gió hòa, nhà nhà bội thu. Người Khmer còn quan niệm, 1 hạt lúa được đắp lên là xóa được 1 tội lỗi cho các linh hồn đã khuất.
Chị Neang Chanh Thu - người dân ấp An Hòa cho biết:
“Cây lúa đối với người Khmer rất quý giá, phong tục đắp lúa này 1 năm chỉ có 1 lần, chúng tôi mình đắp lúa cho cao thành một núi vậy đó, với ý nghĩa là sau này giúp mình làm ăn được, nhà cao cửa rộng”.
Ngày thứ 3 trong tết Chôl Chnăm Thmây thì bà con đem gạo, đèn cầy, trái cây…. Đi cúng tại các tháp, mồ mả, để nhớ ơn ông bà cha mẹ, tưởng nhớ người thân qua đời, các sư sãi tụng kinh, rồi tắm tượng phật trong chùa, tắm cho ông bà cha mẹ, sau đó cha mẹ mặc những bộ quần áo mới do con cái dâng tặng, viêc làm này giúp tẩy rửa bụi trần của năm cũ, và chúc phúc, chúc thọ người lớn tuổi.
Đồng bào Khmer sáng và trưa đều đem cơm, tiền, chiếu…. dâng lên cho các chùa, trong 3 ngày tết Chôl Chnăm Thmây. Còn giao thừa thì mỗi năm mỗi khác, tính theo Phật lịch, mà người Khmer đón giao thừa vào lúc trưa hoặc tối. Trong ngày giao thừa, các chùa Phật giáo Khmer nam tông sẽ đánh 3 hồi trống để tiễn đưa năm cũ, đón năm mới. Đồng bào Khmer thường lấy thân cây chuối gọt thành hình tháp, sau đó cắm hoa cây Điệp và cắm nhang vào thân chuối, để cúng ông bà, cúng Phật. Tuy nhiên, do đời sống mưu sinh, nhiều người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã Châu Lăng, đã đi làm ăn xa, tại các tỉnh, thành phố như; tp Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai…..nên phần hội trong Tết ít náo nhiệt hơn so với nhiều năm trước đây.
Ông Chau Ny - người uy tín ấp Tà On trao đổi cùng phóng viên:
Nhân vật: “Tôi có 2 người con, 2 đứa đều làm công nhân trên tp HCM, nhưng do Covid -19, một đứa thất nghiệp, hiện tại đang ở nhà làm ruộng, trong dịp tết cô truyền của người dân tộc Khmer năm nay, con tôi không về được, vì sợ mất việc, nhưng dịp tết năm nào con tôi cũng có gởi tiền về cho cha mẹ, để trang trải, chi tiêu trong dịp tết”.
Phóng viên : Trong những ngày tết thì gia đình bác thường làm những công việc gì?
Nhân vật: “chúng tôi dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa, mua trái cây cúng kiếng, làm mâm cơm cúng ông bà, đem đi chùa, ở trong sóc thì không có tổ chức trò chơi, nhưng chúng tôi sẽ chơi trò chơi dân gian vào buổi tối tại khuôn viên chùa”.
Phóng viên: Là người uy tín trong ấp, bác thấy đời sống của đồng bào Khmer hiện nay như thế nào? Và bác đã cùng Ban Nhân dân ấp vận đồng bà con những gì trong dịp Tết cổ truyền ? cũng như đã tuyên truyền cho đồng bào Khmer những gì, trong xây dựng nông thôn mới?
Nhân vật: Đa số đời sống người Khmer trong ấp còn khó khăn, nhưng mà bà con sống giản dị, lo làm ăn, trong dịp lể tết, tôi cũng vận động bà con tiêu xài như thế nào cho tiết kiệm, làm thế nào cho ANTT tốt tại địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, tôi có vận động các chùa, Nhân dân, mở rộng lộ thông thôn, làm đèn thắp sáng phum sóc, làm cống thoát nước…
Song song những nghi lễ, phần hội trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer xã Châu Lăng cũng không kém phần hấp dẫn, bởi ngay khuôn viên chùa, tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi, đạp bong bóng, các điệu múa romvong của dân tộc Khmer, được người dân trong phum sóc, Ban ấp cùng nhau lưu văn nghệ, tạo không khí vui tươi trong ngày tết, qua đó góp phần gìn giữ nét văn hóa của người Khmer. Đặc biệt trò chơi ném bột mì và té nước được đông đảo giới trẻ người Khmer và người Kinh ưa thích, thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc, sự giao thoa văn hóa, góp phần nhân rộng, cũng như giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp.
Đồng chí Chau Chương - Phó bí thư đảng ủy, trưởng khối vận xã Châu Lăng phát biểu:
“Trong năm nay, xã Châu Lăng vẫn còn là xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo hiện nay là 273 hộ, hộ cận nghèo là 385 hộ, tuy nhiên sau khi đại dịch Covid-19 vừa qua, thì đời sống của bà con đã có bước khởi sắc, đặc biệt là vụ Đông- Xuân năm nay bà con cũng được giá, trúng mùa, giá vật tư nông sản cũng giảm. Tôi cũng xin thay mặt Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQVN xã, xin gởi lời chúc sức khỏe đến bà con Khmer, người uy tín, gia đình chính sách, một năm mới vui vẻ, an khang thịnh vương, đồng thời mong rằng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục là cầu nối của Đảng, góp phần tuyên truyền đến người dân những chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước”.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, Huyện Tri Tôn, và xã Châu Lăng đã có nhiều hoạt động quan tâm chăm lo thiết thực, thăm tặng quà trong các dịp lễ, Tết tại các chùa Nam tông, và của bà con đồng bào dân tộc Khmer, trên địa bàn xã Châu Lăng, thông qua việc thăm hỏi, tăng quà, chúc Tết các chùa và phật tử, hộ gia đình chính sách, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hộ nghèo cận nghèo vươn lên trong cuộc sống, cũng như tặng vật tư xây dựng cho chùa. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp đồng bào dân tộc Khmer không ngừng phấn đấu, nhiều hộ dân có căn nhà khang trang, tỉ lệ hộ nghèo được kéo giảm. Đó cũng là sự hòa hợp giữa ý Đảng và lòng dân.
Minh Ngọc