Tri Tôn phát triển nông nghiệp bền vững

Nông - Lâm nghiệp

Tri Tôn phát triển nông nghiệp bền vững

23/07/2023

Tri Tôn có diện tích tự nhiên 60.039,74 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa trên 43.000 ha, diện tích trồng lúa hàng năm khoảng 110.000 ha, Sản lượng bình quân 704.007 tấn/năm; sản xuất rau màu bình quân 2.928 ha/năm, sản lượng trung bình 106.671 tấn/năm. Diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện khoảng 1.557 ha, trong đó đang tập trung phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế như sầu riêng, bơ, nhãn,…

Responsive image

Tình hình sản xuất nông nghiệp Tri Tôn những tháng đầu năm có nhiều thuận lợi; tổng diện tích xuống giống 02 vụ Đông xuân và Hè thu là 87.267 ha, đạt 100,26% so kế hoạch, trong đó, diện tích trồng lúa chiếm tỷ trọng cao nhất với 97,36%, diện tích màu chiếm tỷ trọng 2,63%.. Huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; quan tâm phát triển các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất. Tổng diện tích thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ với các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã là 6.309 ha đạt 28,23% so với kế hoạch.

Ngoài ra, huyện đang tập trung phát triển các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất như tưới tiết kiệm, cơ giới hoá nông nghiệp,… Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có khoảng 738 thiết bị cơ giới hóa, tăng 25 thiết bị so với năm 2020. Trong đó, máy gặt đập liên hợp là 356, máy cày 316, máy drone 53, máy cấy 8, máy cuộn rơm 5 máy. Số lượng thiết bị cơ giới hóa tăng chủ yếu là máy drone ứng dụng trong việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gieo sạ.

Toàn huyện hiện có 48 tổ hợp tác với 599 thành viên; có 23 trang trại gồm 02 trang trại tổng hợp; 14 trang trại trồng trọt; 07 trang trại chăn nuôi; 26 HTX (trong đó có 24 HTX đang hoạt động và 02 HTX ngưng hoạt động), với tổng vốn điều lệ 17,5 tỉ đồng, gồm 541 thành viên tham gia và 01 liên hiệp Hợp tác xã Tri Tôn. Tổng vốn điều lệ là 600 triệu đồng, hoạt động trong 10 lĩnh vực với diện tích liên kết vào khoảng 15.772 ha.

Công tác thuỷ lợi, phòng chống thiên tai ngày càng được quan tâm thực hiện tốt. T đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 5 điểm sạt lở với tổng chiều dài 185m, chiều rộng  từ 1,5 – 3,5 m và 01 điểm có dấu hiệu sạt lở tại địa bàn ấp An Lương, xã Lương Phi với chiều dài khoảng 60m, chiều rộng khoảng 10m. Huyện đã triển khai tổ chức thực hiện tốt kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự; kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô trên địa bàn huyện năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Văn, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết: Trên địa bàn huyện đang triển khai một số dự án như: Dự án chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc do Công ty cổ phần gạo Hạnh Phúc làm chủ đầu tư tại xã Lương An Trà với quy mô xây dựng 80 silo, được 3.000 tấn lúa/1silô với 16 ha; dự án phát triển đàn bò sữa của TH True Milk, công ty MPA; Dự án chăn nuôi heo nái – heo thịt công nghệ cao Thagrico An Giang do Công ty TNHH nông nghiệp Trường Hải An Giang; ngoài ra, huyện đang tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi gà để phục vụ ẩm thực gà đốt cho các điểm du lịch trên địa bàn”.

Tính đến tháng 7/2023 huyện Tri Tôn có 05/12 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có 07/12 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và 03 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đối với chương trình OCOP: Hiện nay huyện có 05 sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đợt 1 năm 2023, kết quả đánh giá dự kiến: 3 sản phẩm mật thốt nốt của công ty CP Palmania đạt 4 sao, rượu gạo của cơ sở sản xuất rượu gạo Công Chuẩn và nhãn Ido của Tổ hợp tác sản xuất nhãn Ido, xã Tân Tuyến đạt 3 sao, đang chờ ý kiến Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.

Ông Nguyễn Văn Văn, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết Thời gian tới huyện Tri Tôn tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, vào thực tế địa phương để xây dựng các chương trình, dự án, tranh thủ cao nhất các nguồn hỗ trợ đầu tư. Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo cả 02 hình thức:  Liên kết ngang giữa các nhà nông, người sản xuất cùng một ngành hàng, liên kết với nhau để cùng sản xuất và tiêu thụ nông sản; với mục tiêu là thành lập các hợp tác xã để đại diện nông dân thương thảo và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ;  Liên kết dọc: doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến nông sản liên kết với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào và tổ chức đại diện nông dân bằng các hợp đồng kinh tế để thực hiện chuỗi giá trị nông sản”.

Đồng thời huyện cũng tập trung đa dạng hóa các hình thức huy động vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế hạ tầng nông thôn, giao thông nông thôn phục vụ tái cơ cấu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo đồng thuận trong việc toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt cơ chế huy động theo hướng "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để đầu tư Chương trình nông thôn mới. Biểu dương, khích lệ tập thể, cá nhân, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, cộng đồng và xã hội.

Châu Phong

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===