Kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn huyện Tri Tôn năm 2024
31/05/2024
Năm 2023, trên toàn huyện thực hiện cánh đồng liên kết lúa, nếp là 13.325 ha, đạt 38,57% so với kế hoạch (34.550 ha), so với năm 2022 tăng 26% tương đương tăng 2.750 ha. Cụ thể: Vụ Đông Xuân 2022 – 2023: 6.309 ha (lúa giống 839,5 ha; lúa hàng hóa 5.255,5 ha). Giá thu mua từ 6.400 – 7.200 đồng/kg; Vụ Hè Thu: 4.935 ha (lúa giống 591 ha; lúa hàng hóa 4.344 ha). Giá thu mua từ 7.000 – 8.500 đồng/kg; Vụ Thu Đông: 2.081 ha lúa hàng hóa. Giá thu mua 7.800 - 8.400 đồng/kg (IR50404).
Hiện tại có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết – tiêu thụ tốt nhiều năm như Công ty CP Tập Đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương và một số công ty khác. Việc thỏa thuận giá thu mua cuối vụ giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn còn trở ngại, nhiều nơi không thực hiện được hợp đồng. Sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được thực thiện tốt hơn.
- Thuận lợi:
Chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng liên kết – cánh đồng lớn nhằm tạo ra sản lượng lúa hàng hóa đủ lớn, đồng nhất, tiết kiệm chi phí và quan trọng hơn là giải quyết vấn đề khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo cho nông dân nên rất được chính quyền địa phương và người dân đồng tình ủng hộ.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến việc xây dựng và phát triển các hợp tác xã để tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
Hình thành được tổ hợp tác, hợp tác xã ở các xã có diện tích sản xuất lớn là một bước tiến mới trong việc liên kết sản xuất trong xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Trong mô hình này, tổ chức nông dân đóng vai trò là người đại diện cho hộ sản xuất ký hợp đồng với doanh nghiệp, sản xuất theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu thị trường. Tổ hợp tác, hợp tác xã dẫn dắt nông dân sản xuất theo quy trình doanh nghiệp đưa ra, tạo sản phẩm có chất lượng đồng nhất, số lượng lớn và có nơi tiêu thụ ổn định.
Sự quan tâm, phối hợp hỗ trợ của cơ quan, ban ngành các cấp thúc đẩy việc thành lập các tổ chức nông dân, tạo điều kiện cho việc liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
- Khó khăn:
Việc thỏa thuận được giá thu mua giữa doanh nghiệp với nông dân cũng còn là trở ngại. Khó xác định được giá thị trường để tham chiếu. Ngoài ra việc chưa thỏa thuận được các nội dung trong thực hiện như vấn đề ẩm độ, vận chuyển, giống, sử dụng thuốc BVTV, … cũng chưa được xem xét kỹ, về ngày thu hoạch và phương thức thanh toán tiền. Do đó, mặc dù nhận biết lợi ích và hiệu quả của cánh đồng lớn nhưng việc tham gia còn rất hạn chế.
Đa phần các hợp tác xã mới thành lập, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý điều hành, khả năng đàm phán chưa cao nên chưa mạnh dạn tham gia liên kết. Chủ yếu thực hiện với những hộ có diện tích lớn và những nông dân cũ đã từng hợp tác với doanh nghiệp trước đó.
Chất lượng lúa, gạo đã được chú trọng nhưng vẫn còn bị hạn chế bởi tập quán canh tác của nông dân (sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hoá học) nên chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau của các thị trường thế giới.
Theo Quyết định số 3003/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân huyện Tri Tôn thì mục tiêu là tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo. Xây dựng cánh đồng liên kết, cánh đồng lớn theo tiêu chí quy định tại Quyết định 1966/QĐ-UBND ngày 21/09/2015 của UBND tỉnh nhằm tạo các vùng nguyên liệu lúa gạo với quy mô diện tích sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đồng nhất và đồng chất, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo đạt chuẩn xuất khẩu. Mục tiêu cụ thể: Diện tích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa theo mô hình cánh đồng liên kết, hướng đến xây dựng cánh đồng lớn là: 6.275 ha (khoảng 5,4% diện tích gieo trồng), trong đó: Đông xuân 2.395 ha; Hè thu 3.850 ha; Thu đông 1.030 ha.
Nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 3003/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân huyện Tri Tôn như sau:
1. Tuyên truyền vận động, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác:
Tiếp tục thực hiện thành lập các HTX, THT để đại diện cho nông dân ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp trong cánh đồng lớn. Tập trung củng cố, nâng chất các HTX/THT hiện có trong vùng cánh đồng lớn. Xử lý các hợp tác xã không hoạt động hoặc hoạt động hình thức. Thành lập và phát triển các HTX/THT kiểu mới gắn với doanh nghiệp tiêu thụ cụ thể.
Tổ chức các buổi tiếp xúc doanh nghiệp với nông dân để thảo luận nội dung hợp đồng liên kết.
2. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý và nông dân:
Bồi dưỡng tập huấn kiến thức về quản lý, thị trường và hội nhập cho nông dân, THT, HTX. Nội dung bồi dưỡng, tập huấn là kiến thức về thị trường, hội nhập, marketing, quản lý tổ nhóm, quản lý tài chính nông hộ, kỹ năng đàm phán hợp đồng.
Song song với nội dung bồi dưỡng tập huấn thì cần tổ chức hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, quản lý hệ thống sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Đối tượng chủ yếu là nông dân trực tiếp sản xuất, cán bộ quản lý HTX, THT. Nội dung hướng dẫn cụ thể hóa, triển khai ra thực tế những nội dung đã bồi dưỡng tập huấn về lý thuyết.
3. Cơ chế chính sách và đầu tư xây dựng:
Hướng dẫn các doanh nghiệp và nông dân thực hiện khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Lựa chọn, xây dựng vùng làm mô hình điểm ở các xã, thị trấn về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp. Nội dung mô hình là thực hiện từng bước hoàn chỉnh tiêu chí cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ chặt chẽ, cải tạo chỉnh trang bộ mặt đồng ruộng. Gắn việc đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, lống ghép các dự án liên quan vào các vùng điểm.
Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 22/07/2019 của UBND tỉnh đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã có Phương án (dự án/kế hoạch được phê duyệt) để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nông dân tham gia liên kết tiêu thụ.
4. Quản lý và tuân thủ kỹ thuật sản xuất:
Bồi dưỡng tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chọn, nhân, sản xuất giống; áp dụng các quy chuẩn sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ, quy trình canh tác theo hướng SRP, kỹ thuật canh tác 1 Phải 5 Giảm,… theo yêu cầu thị trường, ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới, ứng dụng công nghệ mới và các biện pháp phòng trừ dịch hại theo hướng sinh học nhằm tăng chất lượng sản phẩm lúa gạo, định hướng xuất khẩu.
Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định, văn bản của Nhà nước, các quy trình sản xuất, quy trình quản lý, các khuyến cáo của nhà sản xuất,...
Cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp, cán bộ của ngành nông nghiệp hướng dẫn trực tiếp cho các đối tượng. Hướng dẫn, áp dụng kỹ thuật sản xuất, quy trình sản xuất. Hướng dẫn trực tiếp cho nông dân trong việc sử dụng đúng thuốc BVTV, sản xuất an toàn, tổ chức việc thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV, vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường.
VÕ VĂN THANH