Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây ăn trái trên địa bàn huyện Tri Tôn năm 2024
31/05/2024
Trong năm 2023, diện tích thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác là 1.264,36 ha, đạt 56,19% so với kế hoạch. Cụ thể như sau: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm: Diện tích thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây hàng năm là 1.167 ha. Gồm dưa hấu, bắp, ớt, đậu các loại, kiệu, rau dưa các loại. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm là 95,4 ha. Gồm các loại cây trồng như: cà na, mít thái, sầu riêng, …Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 1,96 ha (hộ đã đăng ký thủ tục chuyển đổi nhưng chưa thực hiện nuôi cá).
Khó khăn và thách thức:
Về trình độ canh tác: Người nông dân quen canh tác cây lúa, chưa có nhiều về sản xuất các loại rau màu và các loại cây ăn trái mới.
Việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mang nhiều hệ lụy về sau: đất đai bạc màu, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, chất lượng sản phẩm kém à dịch bệnh, gây độc và bệnh tật cho người tiêu dùng, …
Đặc điểm thổ nhưỡng: Xuất phát từ vùng đất ngập nước, nhiễm phèn nặng, sau thời gian dài cải tạo đất đến nay hầu hết các xã đồng bằng (Vĩnh Phước, Lương An Trà, Vĩnh Gia, …) đều sản xuất được lúa. Riêng đối với cây ăn trái, việc đào mương, lên liếp cần tính toán kỹ nhằm đảm bảo bộ rễ cây phát triển tốt, tránh chạm đến tầng phèn tiềm tàng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây về sau.
Thị trường: Giá cả nhiều biến động, chưa đánh giá được về cung – cầu; Đa số nông dân thường sản xuất tự phát, chưa có quy chuẩn và kế hoạch cụ thể, do đó thường gặp phải tình trạng nông sản rớt giá, hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi giá cả vật tư đầu vào tăng cao.
Về ứng dụng cơ giới hóa: Phần lớn chỉ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất. Các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch chưa ứng dụng nhiều.
Theo Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân huyện Tri Tôn thì mục tiêu chung là cơ cấu lại vùng sản xuất rau, màu và cây ăn trái nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất. Thực hiện sản xuất rau, màu, cây ăn trái theo hướng bền vững, an toàn cho người dùng và thân thiện với môi trường. Mục tiêu cụ thể: Dự kiến, năm 2024 thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn trái là 2.387,1 ha.
Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng:
a) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu.
b) Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi.
c) Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.
d) Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.
e) Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.
f) Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 được thống kê là đất trồng lúa.
Các giải pháp thực hiện của Kế hoạch lần này là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ngoài việc tiếp tục lựa chọn những giống mới phù hợp, năng suất, giá trị kinh tế cao đưa vào triển khai thí điểm, ngành sẽ nhân rộng những giống cây trồng, vật nuôi đã và đang mang lại hiệu quả cao theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết với thị trường bên ngoài để nông dân ngày một nâng cao thu nhập.
a. Giải pháp khoanh định vùng, mặt bằng, cơ sở hạ tầng:
Đầu tư nâng cấp các hệ thống tưới tiêu bảo đảm đáp ứng kịp thời cho diện tích canh tác. Tu bổ đê điều phòng chống thiên tai bảo vệ sản xuất. Rà soát điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện mạng lưới trạm bơm. Tập trung cải tạo mặt bằng đồng ruộng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng theo yêu cầu của các vùng quy hoạch. Tiếp tục việc đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao kiểm soát lũ tháng tám và các vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để.
Đối với cây cao lương: Cần thông tin rộng rãi cho người dân biết rõ về chính sách thu mua, tiêu chuẩn kỹ thuật,… và có ký cam kết giữa đơn vị thu mua với người dân, để nông dân biết và tham gia sản xuất.
b. Giải pháp đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư:
Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn về sản xuất rau, màu và cây ăn trái theo hướng GAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, trình độ năng lực cán bộ kỹ thuật; tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về sản xuất rau, màu cho nông dân, giúp nâng cao kỹ năng sản xuất, đạt hiệu quả cao.
Tranh thủ các nguồn kinh phí từ các dự án của Tỉnh, Trung ương; cần thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo được nguồn kinh phí thực hiện ngoài nguồn kinh phí của ngành Nông nghiệp còn có sự hỗ trợ kinh phí của các doanh nghiệp, địa phương; Mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ rau, màu (đặc biệt là cây công nghiệp ngắn ngày).
c. Giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao:
Liên kết với các trung tâm nghiên cứu thực nghiệm trong công tác sản xuất giống và một số giải pháp kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh sinh học trên cây trồng. Sản xuất trên tinh thần đề cao tính an toàn trong nông sản, vừa hạn chế tác hại hóa học cho người sản xuất vừa an toàn cho người sử dụng.
Khuyến khích bà con nông dân sử dụng các chế phẩm hữu cơ, vi sinh và các biện pháp phòng trừ sinh học trong sản xuất, hạn chế sử dụng phân hóa học nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong cây trồng. Đối với một số sản phẩm tiêu biểu của địa phương (đậu xanh, đậu phộng, khoai mì, …) cần định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Áp dụng các hệ thống tưới tiên tiến (tưới phun, tưới nhỏ giọt). Sử dụng đồng loạt các biện pháp cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch (sử dụng máy ủi liếp, máy đánh rãnh, máy gieo hạt, máy thu hoạch,…). Bên cạnh đó, cần kích thích trí sáng tạo, sáng chế máy móc phục vụ trong nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khâu sản xuất.
Tổ chức các buổi tham quan học tập trao đổi, đúc kết kinh nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
d. Giải pháp thị trường:
Thông tin và dự báo thị trường; Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm; Giới thiệu trên phương tiện truyền thông đại chúng (truyền thanh, truyền hình, trang web,..); Đa dạng hóa các mô hình tiêu thụ theo hình thức phù hợp từng địa bàn.
Khuyến khích đầu tư mở cửa hàng kinh doanh rau an toàn. Thực hiện việc kinh doanh có địa chỉ, tiến tới có thương hiệu, có bao bì đóng gói, giá cả hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả người sản xuất cũng như tiêu dùng. Xây dựng thương hiệu nông sản là mấu chốt quan trọng để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của nông sản. Tuy nhiên, yếu tố để hình thành thương hiệu là sản phẩm phải có chất lượng cao, ổn định và có doanh nghiệp chế biến liên kết tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết được vấn đề này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó nông dân đóng vai trò cốt lõi để hình thành nên chuỗi giá trị.
VÕ VĂN THANH