Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tri Tôn đến tháng 9/2023 và phương hướng, nhiệm vụ thực hiện đến cuối năm 2023

Nông thôn mới

Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tri Tôn đến tháng 9/2023 và phương hướng, nhiệm vụ thực hiện đến cuối năm 2023

07/10/2023

Theo Báo cáo số 331/BC-UBND ngày 05/10/2023 của UBND huyện Tri Tôn, tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tri Tôn đến tháng 9 năm 2023 như sau:

1. Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân để phát huy vai trò trong quá trình thực hiện Chương trình trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới được Ban chỉ đạo huyện quan tâm triển khai, phổ biến với nhiều hình thức, giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về xây dựng nông thôn mới để Nhân dân chủ động tham gia vào các nội dung xây dựng nông thôn mới.

2. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Để cụ thể hóa Kế hoạch số 861/KH-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh An Giang về thực hiện phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025“, UBND huyện Tri Tôn đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND, ngày 23/2/2023 về thực hiện phong trào thi đua Tri Tôn chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 từng bước chuyển biến nhận thức của nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Kết quả thực hiện các nguồn vốn: Tổng dự toán được giao là 18.421 triệu đồng. Tổng dự toán đã phân bổ là 18.421 triệu đồng (Trong đó dự toán năm 2022 mang sang là 9.996 triệu đồng). Tổng giá trị giải ngân là 1.924 triệu đồng (đạt 10,44 %).

Kết quả chung tính đến thời điểm báo cáo, cụ thể: Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 5 xã (Vĩnh Gia, Tà Đảnh, Lương Phi, Lương An Trà và Tân Tuyến). Xã Tà Đảnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới tính đến cuối năm 2022: (theo Quyết định 1260/QĐ-UBND, ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh).

- Số xã đạt 16 tiêu chí: Tà Đảnh, Tân Tuyến, Lương An Trà.

- Số xã đạt 15 tiêu chí: Vĩnh Gia.

- Số xã đạt 13 tiêu chí: Lạc Quới, Lương Phi, Châu Lăng, Lê Trì.

- Số xã đạt 11 tiêu chí: Vĩnh Phước.

- Số xã đạt 10 tiêu chí: Ô Lâm, An Tức.

- Số xã đạt 9 tiêu chí: Núi Tô.

- Số bình quân tiêu chí: 12,58. Số bình quân chỉ tiêu 46,25

Kết quả thực hiện xã nông thôn mới nâng cao: (theo Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh An Giang).

- Xã Tà Đảnh đạt 14/19 tiêu chí. Xã Lương An Trà đạt 13/19 tiêu chí. Xã Tân Tuyến đạt 5/19 tiêu chí. Xã Lương Phi đạt 7/19 tiêu chí đạt. Xã Vĩnh Gia đạt 9/19 tiêu chí.

3. Thuận lợi: Được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Thường trực Huyện ủy, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện của các phòng, ban ngành, đoàn thể. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đạt mục tiêu lộ trình kế hoạch đề ra. Sự hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh trong hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc quá trình thực hiện nguồn vốn.

4. Khó khăn: Các hướng dẫn thực hiện các nội dung nguồn vốn sự nghiệp còn qua các văn bản hướng dẫn khác, chưa có hướng dẫn cụ thể (các mô hình cảnh quan môi trường, mô hình thu gom rác tại nguồn và bao gói thuốc bảo vệ thực vật, Chương trình mỗi xã một sản phẩm,...) gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

5. Những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện: Tập trung nguồn lực, chỉ đạo, điều hành, phấn đấu xã Lương An Trà đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”; xã Lạc Quới đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” trong năm 2023. Chỉ đạo thực hiện từng tiêu chí, chỉ tiêu trên cơ sở rà soát để có giải pháp thực hiện nhằm đạt chuẩn tiêu chí theo mục tiêu kế hoạch.

Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục tăng cường duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; rà soát, đánh giá theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục thực hiện nâng chất các mô hình do các hội, đoàn thể, các ngành phát động. Tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động về việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Nâng cao vai trò hoạt động của các tổ chức đoàn thể tại địa bàn xã trên cơ sở phân công về thực hiện các chỉ tiêu trong từng tiêu chí cụ thể tại cơ sở, bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên; phấn đấu và giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phục vụ nông thôn mới có hiệu quả, nghiên cứu ứng dụng các mô hình mới tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với chuỗi liên kết góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Phát huy vai trò của các tổ chức nông dân như Hợp tác xã, Tổ hợp tác là cầu nối vững chắc giữa sản xuất và tiêu thụ. Tổ chức triển khai lồng ghép Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó, quan tâm việc củng cố và thành lập mới các Hợp tác xã/Tổ hợp tác tại những nơi chưa có tổ chức nông dân đảm bảo đủ các điều kiện tối thiểu cho các doanh nghiệp tham gia liên kết trong thời gian tới và song song đó là việc nâng chất các Hợp tác xã/Tổ hợp tác hiện có đáp ứng yêu cầu tổ chức theo yêu cầu thị trường.

Các phòng, ban ngành phụ trách tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao phải xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện; tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở, nhất là đối với các xã điểm nhằm hỗ trợ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của địa phương khi thực hiện Chương trình.

Võ Văn Thanh

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===