Mặn mà cá khô ngày nắng tại Ba Chúc

Kinh tế - Xã hội

Mặn mà cá khô ngày nắng tại Ba Chúc

07/03/2023

Nắng phủ màu óng ánh như dát bạc lên từng vỉ cá được phơi kín cả lối đi, những chiếc nón lá nhấp nhô giữa nền nắng rực rỡ vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về không khí lao động của bà con làm cá khô tại vùng núi Ba Chúc. Những ngày này, tận dụng sức nhiệt từ ánh nắng mặt trời, bà con làm nghề phơi cá khô tại Ba Chúc đang hối hả vào mùa.

Responsive image

Vùng núi Ba Chúc vào mùa nắng nóng, trời càng trưa nắng càng nóng gắt. Thế nhưng, tại trước sân nhà, bà Hằng vẫn “đội” nắng chăm chút lật trở từng miếng cá cho nắng “thấm” đều và không quên đeo vào những chiếc bao tay cho đảm bảo an toàn thực phẩm. Những con cá khô nơi đây được bàn tay bà Hằng làm ra trông thật mượt mà, bóng bẩy, với hương vị ướp vừa ăn, ngon miệng nên được nhiều người biết đến và đặt mua. Khách hàng luôn gọi thân mật là khô bà mười, lâu ngày thành quen, từ đó nhãn hiệu khô “Bà Mười” đã có mặt tại thị trường thực phẩm Ba Chúc.

Vừa thoăn thoắt làm việc, vừa tranh thủ chuyện trò với chúng tôi, bà  Đặng Nguyệt Hằng năm nay đã 55 tuổi, ngụ khóm An Hòa “A” chia sẻ:

 “Làm cá khô đơn giản lắm, các công đoạn chế biến phải xong trước 10 giờ sáng để cá được hưởng cái nắng đẹp nhất trong ngày. Có như thế, con cá mới có giá vì ngon và đẹp. Sau khi được xẻ ra để tươi ướp gia vị, cá sẽ được sắp lên những tấm vỉ hình vuông chừng 1m2 phơi ngoài nắng. Công việc làm cá khô là sáng mang ra phơi, canh thời gian trở cá nhiều lần, chiều gom vào kho. Tùy độ dày, mỏng của miếng cá để có thời gian phơi phù hợp, trời nắng to chỉ cần 1 ngày với các loại bạch tuộc, khô cá lóc cửng, lươn,…, còn 3 ngày với cá lóc, cá trê, …”.

Tuy không phải là cơ sở chế biến cá khô quy mô lớn, nhưng khô “Bà Mười” mùa này cứ “đến hẹn lại lên” nhộn nhịp phơi khô dưới trời nắng đẹp. Không khí sản xuất, buôn bán các loại khô bắt đầu sôi động, sản lượng khô thành phẩm mỗi ngày tăng hơn so với ngày thường.

Chị Phạm Thị Cẩm Giang cho biết:

“Nghề làm khô của gia đình cô Hằng trước đây chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân ở địa phương, tuy nhiên thời gian gần đây, sản phẩm này mới phát triển mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng. Khô cá lóc, cá trê đã trở thành “đặc sản” làm quà mỗi khi tết đến, khách hàng là các hộ dân đến đặt hàng làm quà tết và mấy năm gần đây cung cấp thị trường ngoài tỉnh như TP.HCM, Bình Dương,... Tôi cũng là khách hàng của chị Hằng lấy khô cá lóc, cá trạch, bạch tuột thành phẩm để bán ra thị trường”.

Để làm ra 1kg khô cá lóc, cần khoảng 4kg cá tươi và phải phơi từ 2-3 nắng mới bảo đảm được độ ngon, ngọt. Hầu hết những sản phẩm khô cá ở đây đều được làm bằng thủ công, qua rất nhiều công đoạn như làm sạch, loại bỏ xương, ướp gia vị và đem phơi dưới ánh nắng mặt trời. Trong đó, khâu ướp gia vị rất quan trọng để tạo ra hương vị riêng và đây cũng là bí quyết của mỗi người làm khô. Cá làm khô được ướp những gia vị như muối, tỏi, bột ngọt, ớt trong 30 phút rồi đem phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Năm nay, giá cá lóc nguyên liệu tăng nên giá sản phẩm khô tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Hiện, khô cá lóc loại từ 4-6 con/kg có giá 200.000 đồng/kg; khô cá trê loại 10-15 con có giá 130.000 đồng/kg; khô lươn có giá 220.000 - 230.000 đồng/kg, riêng bạch tuột râu một nắng dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg tùy mùa.

Tại Ba Chúc có trên 20 hộ chế biến cá khô tại nhà, thông thường khoảng đầu tháng Chạp, các hộ sản xuất cá khô bắt đầu chuẩn bị sản phẩm khô phục vụ cho thị trường. Sản phẩm khô tiêu thụ tăng cao do có nhiều khách hàng đến mua về làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Trung bình, mỗi năm tại Ba Chúc có khoảng hàng chục tấn khô cung cấp ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Việc làm này không chỉ góp phần duy trì, phát triển nghề làm khô truyền thống tại Ba Chúc, mà còn giúp người chế biến cá khô tăng thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ở địa phương.

Tuyết Hạnh

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===