Kết quả phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển làng nghề năm 2023 trên địa bàn huyện Tri Tôn

Nông - Lâm nghiệp

Kết quả phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển làng nghề năm 2023 trên địa bàn huyện Tri Tôn

28/12/2023

Qua thống kê, rà soát trên địa bàn huyện hiện có khoảng 338 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, cụ thể ở 04 nhóm như sau:

- Nhóm thực phẩm gồm: đường thốt nốt, bánh phồng mì, cốm dẹp, pa tê – chả lụa, khô nhái,... là 155 hộ.

- Nhóm đồ uống: nấu rượu 50 hộ.

- Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn: kinh doanh sinh vật cảnh, trồng hoa tết 32 hộ.

- Nhóm lưu niệm, gia dụng, thủ công mỹ nghệ gồm: uốn tầm vong, sản xuất đệm bàng, gổ gia dụng, đan tre, lát, cơ sở làm cà ràn, hàn tiện, se nhang, sản xuất chiếu, đang lục bình, làm giường, đan rổ, xề, đan đệm bàn..... và những hộ còn lại.

Thực tế các ngành nghề truyến thống, nghề thủ công của địa phương đã hoạt động từ nhiều năm, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương trong thời gian qua.

Với nhiều hoạt động quan tâm, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển ngành nghề nông thôn như hỗ trợ máy móc, trang thiết bị; xúc tiến và quảng bá sản phẩm... Ngành nghề nông thôn ngày càng phát huy được tiềm năng và phục vụ đúng nhu cầu du khách khi đến Tri Tôn. Góp phần thu hút lao động tại chỗ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao đời sống người làm nghề.

Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn từng bước được phát triển cũng góp phần bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống địa phương, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt hướng đến Chương trình mỗi xã một sản phẩm để nâng cao vị thế sản phẩm đặc sản địa phương trên thị trường.

Huyện Tri Tôn có 01 làng nghề “Sản xuất và chế biến đường thốt nốt Châu Lăng” đã được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 1250/QĐ-UBND ngày 07/8/2014. Tuy nhiên, xét theo các tiêu chí công nhận làng nghề tại Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề được đánh giá là không đạt (chưa đảm bảo quy mô số hộ tham gia hoạt động ngành nghề trên địa bàn).

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, thuận lợi như sau:

          1. Thuận lợi:

Được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ từ các Sở, Ngành tỉnh về hỗ trợ máy móc thiết bị, xúc tiến và quảng bá sản phẩm tại các kì Hội chợ. Từ đó, sản phẩm làng nghề được tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sản phẩm làng nghề khá đa dạng, chất lượng sản phẩm cao, cùng với sự phát triển của du lịch địa phương, sản phẩm làng nghề ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.

Lao động tại địa phương có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm, tâm huyết với sự phát triển của làng nghề. Đây là động lực rất lớn để làng nghề có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

2. Khó khăn, hạn chế:

Công tác quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh của làng nghề còn yếu. Ngành nghề nông thôn phát triển còn chậm, mang tính tự phát ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng. Đa phần còn sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Các ngành nghề, làng nghề là truyền thống của người dân tộc đa số lao động là người dân tộc có trình độ dân trí chưa cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế.

Việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế, các hộ sản xuất còn khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhất là khă năng thay thế thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất.

Các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn nằm rải rác không tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn nên khó khăn trong việc xây dựng định hướng phát triển và tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Các ngành nghề nằm đan xen theo phum sóc, khu dân cư, không nằm ở trục lộ giao thông chính, cách xa khu trung tâm chợ huyện và tỉnh, không nằm gần các điểm du lịch, từ đó sản phẩm khó tiếp cận với thị trường, không thu hút được vốn đầu tư và tạo ra sản phẩm riêng biệt cho địa phương.

Trình độ quản lý của cơ sở sản xuất còn hạn chế, chủ yếu làm ăn nhỏ lẻ nên việc tổ chức sản xuất theo mô hình tập thể (tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã) còn chậm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chưa quen với tác phong công nghiệp, sản xuất còn phân tán, theo thời vụ.

Mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà
khoa học, nhà đầu tư và thị trường còn lỏng lẻo, chưa gắn bó chặt chẽ. Quy mô hoạt động của nhiều cơ sở mang tính chất hộ gia đình nên chưa thực sự thu hút nguồn lao động địa phương.

 (Theo số liệu Báo cáo số 467/BC-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Uỷ ban nhân dân huyện Tri Tôn)

 

 

VÕ VĂN THANH

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===