Kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Tri Tôn năm 2024

Nông - Lâm nghiệp

Kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Tri Tôn năm 2024

22/04/2024

Huyện Tri Tôn đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2024 về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2024.

Định hướng chung của Kế hoạch là tập trung khắc phục những yếu kém, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn huyện; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất với thị trường chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ HTX. Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTXNN, góp phần tạo việc làm cho người lao động ngay tại địa phương, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Chi, tổ, hội nghề nghề nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiềm năng của địa phương, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong công tác đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và hội đoàn thể chính trị trong việc vận động, tuyên truyền đoàn viên, hội viên, quần chúng tham gia phát triển KTTT trên địa bàn huyện.

Mục tiêu của Kế hoạch là tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX một cách bền vững, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống, vật chất tinh thần của các thành viên; Xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của huyện. Phát triển HTXNN bền vững gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng vùng sản xuất hàng hóa. Tập trung phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các HTX nông nghiệp, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa đảm bảo phát triển bền vững. Phát triển HTX theo mô hình kinh doanh đa dịch vụ, đa ngành nghề; hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển ngành nghề, tăng thu nhập. Thúc đẩy và tạo điều kiện để HTXNN phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện, liên kết hình thành chuỗi giá trị với các công ty, doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, đồng thời củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.

Chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch trong năm 2024 phấn đấu thành lập mới thêm 03 HTXNN, trong đó có thực hiện tốt liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của nông dân. Củng cố hoạt động cho 02 HTXNN hiện đang trong tình trạng hoạt động yếu, kém và các HTXNN đang ngưng hoạt động. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác cấp huyện, xã về nghiệp vụ thực hiện Luật hợp tác xã 2012, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác phát triển kinh tế hợp tác. Phấn đấu có trên 80% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển của các hợp tác xã, thực hiện liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn.

Giải pháp thực hiện như:

1. Công tác tuyên truyền:

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để nâng cao nhận thức về kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp nông thôn: Luật HTX năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của luật Hợp tác xã năm 2012; Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020”, định hướng 2021 – 2030 và các Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện Ủy về phát triển kinh tế tập thể.

Tổ chức tuyên truyền và vận động hình thành hợp tác xã từ mô hình sản xuất, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm và các tổ hợp tác đang sản xuất có hiệu quả như: Tổ hợp tác sản xuất Xoài tại xã Ô Lâm; 02 tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ tại xã Lương An Trà, tổ hợp tác bơm tưới xã Vĩnh Phước, tổ hợp tác bơm tưới thị trấn Cô Tô, tổ hợp tác sản xuất dược liệu xã Núi Tô, tổ hợp tác sản xuất lúa xã An Tức, mô hình liên kết thu mua lúa xã Lạc Quới,...

Tuyên truyền giới thiệu rộng rãi và biểu dương các HTXNN điển hình, tiên tiến trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của huyện, trong đó tập trung hỗ trợ các HTX, THT kết nối giao thương với các doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và người lao động; làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo tham gia xây dựng phát triển KTTT, HTX.

2. Duy trì, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của các khu vực kinh tế hợp tác, HTX:

Tổ chức rà soát, đánh giá đối với các HTX đảm bảo hoạt động theo Luật HTX năm 2012; kiên quyết giải thể những HTX hình thức, không hoạt động. Phấn đấu không còn tồn tại các HTX hoạt động hình thức. Những HTX cần đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ kinh tế thành viên.

Thành lập mới các HTX theo mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng lĩnh vực và gắn kết các doanh nghiệp tiêu thụ (như HTX chăn nuôi, thủy sản; HTX trồng trọt, HTX sản xuất giống cây, con; HTX sản xuất rau an toàn; HTX trồng dược liệu, HTX cây ăn trái...) vừa làm dịch vụ phục vụ, vừa phát triển sơ chế, chế biến các hoạt động thương mại và dịch vụ.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, liên kết, sáp nhập thành các HTX có quy mô lớn hơn theo hướng mở rộng các dịch vụ phục vụ đa dạng trong nông nghiệp. Tăng cường công tác phối hợp giữa việc phát triển kinh tế hợp tác và nhiệm vụ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

3. Giải pháp về hỗ trợ:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX của Trung ương và của Tỉnh như: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định mức chi hỗ trợ đào tạo thành viên, lao động tại hợp tác xã nông nghiệp và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang;

Hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng cho các thành viên Ban Quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, tài vụ kế toán, cán bộ chuyên môn kỹ thuật. Tổ chức cho đội ngũ làm công tác quản lý HTX tham gia hội thảo, tập huấn, tham quan học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế.

Thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển các chương trình mục tiêu của huyện và chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo, khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các chương trình xã hội hóa nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện tiền đề cho HTX phát triển.

Tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Hỗ trợ tiếp cận các nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi; Thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hộ, doanh nghiệp nông nghiệp.

Hỗ trợ về đất đai: Thực hiện tốt và đầy đủ theo quy định ưu đãi hiện hành của Nhà nước và Luật đất đai; Khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, quy hoạch hỗ trợ tạo điều kiện cho các HTX có đất xây dựng trụ sở và quy hoạch vùng đất cho sản xuất kinh doanh của HTX.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại: Xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các HTX xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, bao bì, kiểm định chất lượng, xây dựng chỉ dẫn địa lý; tham gia hội thảo, triển lãm giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng,…

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm: Kêu gọi các doanh nghiệp, công ty gắn kết với các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm.

4. Về quản lý Nhà nước:

Bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức đảm nhiệm công tác quản
lý Nhà nước về KTTT, HTX đáp ứng về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp
vụ, am hiểu sát cơ sở và nhiệt tình với phong trào KTTT để nâng cao chất lượng
xây dựng và thực thi chính sách.

Tăng cường hoạt động kiểm tra về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về KTTT, HTX để chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm và làm cơ sở kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách.

Phát huy hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể, hợp tác xã huyện; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát
triển HTX.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, phát triển lĩnh vực, đặc biệt là người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

 Hướng dẫn các HTX trong việc rà soát lại Điều lệ, tổ chức đại hội thành viên để củng cố lại hoạt động của HTX, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn. 

5. Xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập thị trường và mô hình điểm:

Hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại – dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa như: chợ, trung tâm thương mại.

Tạo lập mối liên kết giữa lưu thông hàng hóa với sản xuất nông nghiệp. Phát triển phương thức đầu mối, đại lý mua bán hàng hóa và cung cấp các dịch vụ, vật tư theo hợp đồng ổn định lâu dài.

Phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ chức tín dụng với hộ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Xây dựng các mô hình điểm về HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả làm cơ sở nhân rộng và thu hút người lao động tham gia HTX.

VÕ VĂN THANH

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===