Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi Ba Ba

Nông - Lâm nghiệp

Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi Ba Ba

17/08/2022

Ba Ba là động vật hoang dã sống ở sông ngòi tự nhiên. Ba Ba có 4 loài: Ba Ba hoa, Ba Ba gai, cua đinh và lẹp suối. Nghề nuôi Ba Ba bắt đầu hình thành và mô hình nuôi Ba Ba ngày càng phát triển và đa dạng, đem lại cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân. Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà Trần Ngọc Bé mở trang trại nuôi Ba Ba, tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng cũng đã 20 năm, và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Responsive image

Được sự giúp đỡ của bà Huỳnh Tuyết Hồng- cán bộ nông nghiệp xã Châu Lăng, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi Ba Ba của bà Trần Ngọc Bé, ngụ ấp An Hòa, xã Châu Lăng, trang trại với 4 hồ nuôi. Bà Trần Ngọc Bé, chủ trang trại nuôi Ba Ba cho biết; “thịt Ba Ba là một loại thực phẩm quý, có nhiều chất dinh dưỡng. Thịt Ba Ba thường được sử dụng trong nhà hàng, chế biến thành các món đặc sản, tuy nhiên, từ xưa Ba Ba thường chỉ được bắt ở sông và hồ, chứ chưa được nuôi phổ biến. Nhận thấy được nhiều giá trị mà Ba Ba mang lại, tôi đã tìm hiểu và xây dựng mô hình nuôi Ba Ba.”

Trao đổi cùng phóng viên, bà Trần Ngọc Bé cho biết:

Phóng viên : Cô thực hiện mô hình nuôi Ba Ba này được bao nhiêu lâu rồi? và từ đâu cô biết đến mô hình này? Và có những thuận lợi, khó khăn nào?

Nhân vật: Cô nuôi cũng đã 20 năm rồi, người khác cũng chỉ cô nuôi, lúc đầu nuôi khó lắm, mình không mấy gì biết nuôi, nên Ba Ba chết lai rai hoài. Sau này cô biết đến sử dụng thuốc trị bệnh, với lại pha muối loãng vào nước hồ nuôi, nên Ba Ba khỏe mạnh, ít bệnh hơn ban đầu. Đặc biệt, con Ba Ba này vào mùa gió bấc rất hay bị bệnh.

Phóng viên : hiện tại cô nuôi khoảng bao nhiêu con Ba Ba? Trọng lượng Ba Ba đạt bao nhiêu mình có thể xuất bán, thưa cô?

Nhân vật: hiện tại cô nuôi khoảng 1.500 con Ba Ba. Ba Ba khoảng từ 700gram, 1 kg, đến hơn 1 kg là có thể bán, giá tiền cũng giao động theo số cân nặng của Ba Ba. 1kg Ba Ba hiện tại người ta thu mua là 300 nghìn/kg.


        Các hồ để nuôi Ba Ba đều phải xây vững chắc, tường cắm sâu xuống đáy. Bên cạnh đó, bờ tường cao hơn mặt nước từ  0,6 – 0,8m.  Nuôi Ba Ba là mô hình được nhiều người lựa chọn vì loại vật này khá dễ nuôi và không hề kén ăn. Ba Ba ăn động vật, bắt mồi tĩnh, không phải động vật đuổi bắt mồi. Để việc nuôi Ba Ba trở thành mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, việc tạo môi trường sống cho Ba Ba giữ một vai trò quan trọng hàng đầu. Do loài vật này thuộc loại bò sát, có thể sinh sống cả ở dưới nước lẫn trên cạn, nên khi nuôi Ba Ba, bà Trần Ngọc Bé có để các tấm gỗ trên mặt nước hồ, để Ba Ba có thể trèo lên nằm phơi nắng,  và có đặt máng ăn bằng gỗ để cạnh bờ hồ để Ba Ba ăn.

Bà Trần Ngọc Bé cho biết thêm:

Phóng viên: thức ăn chủ yếu của Ba Ba là gì thưa cô?

Nhân vật: Ba Ba nó ăn chủ yếu là cá, đặc biệt là cá biển, đầu ếch, cô có mua cả thức ăn công nghiệp nữa. Ba Ba mà cho ăn nhiều quá cũng dễ bệnh nữa. Nên 1 ngày cô cho ăn 1 lần, đối với Ba Ba trưởng thành. Nuôi khoảng 1 năm mấy mới được bán.

Thông thường, từ tháng 3 đến tháng 8 là khoảng thời gian Ba Ba sinh sản nhiều. Còn từ tháng 9 đổ về sau Ba Ba sẽ đẻ ít đi do thời tiết trở lạnh. Ba Ba sau khi nuôi khoảng 1,5 năm sẽ có cân nặng từ 1,2 – 1,5 kg thì có thể xuất chuồng để bán, đối Với Ba Ba con, tháng đầu tiên chia thức ăn làm 4 bữa nhỏ, tháng thứ 2 chia làm 3 bữa, sang tháng thứ 3 chia làm 1,2 bữa như bình thường, đối với Ba Ba làm giống, thời gian nuôi phải từ 2 năm trở lên lấy trứng mới đạt hiệu quả, Ba Ba chưa đủ năm vẫn đẻ trứng nhưng tạo ra con giống không tốt. Hiện tại bà Trần Ngọc Bé vừa mới xuất bán 700 con Ba Ba trưởng thành cho thương lái tp Hồ Chí Minh, với tổng trọng lượng gần 800kg, thu về số tiền trên 250 triệu đồng.  

Theo bà Trần Ngọc Bé cho biết, người nuôi không nên thay một loạt nước sẽ khiến chúng khó thích nghi, mà thay dần dần, mỗi ngày cho vào hồ từ 20 - 50% tổng lượng nước, đến 12 - 15 ngày thì thay hết nước, làm vệ sinh đáy bể nuôi. Xả nước vào từ từ. Đến mùa lạnh thì mỗi tháng chỉ thay nước 1 lần. Nếu có thức ăn thừa thì nên dọn dẹp tránh để sinh mầm bệnh. 

Hiện ba ba của bà Trần Ngọc Bé được thương lái trong và ngoài tỉnh mua đều đặn, nhờ đó đầu ra ổn định. Sau thời gian nuôi ba ba thịt, bà Trần Ngọc Bé đã cho ba ba sinh sản thành công. Con giống được nuôi thử nghiệm đã phát triển tốt. Hiện nay, nuôi Ba Ba là một hướng đi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho người nông dân.

Minh Ngọc

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===