Điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp ở Tri Tôn

Nông - Lâm nghiệp

Điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp ở Tri Tôn

08/01/2023

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế xã hội, trong năm 2022 huyện miền núi Tri Tôn cũng đá phát huy mạnh mẽ lợi thế nông nghiệp, nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ cao, kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nhờ vai trò nền tảng của nông nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển, đời sống người dân được duy trì ổn định.

Responsive image

Tổng diện tích gieo trồng cả năm 2022 của huyện Tri Tôn là 116.623 ha, đạt 95,48% so kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng lúa chiếm tỷ trọng cao nhất với 97,88%, Diện tích trồng màu chiếm tỷ trọng 2,12%. Năng suất các loại cây trồng ở một số cây chủ yếu so năm trước có tăng nhẹ, năng suất lúa bình quân cả năm đạt 6,253 tấn/ha. Sản lượng lúa cả năm đạt 713.800 tấn. Tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện 2.200 ha, gồm nhiều chủng loại cây ăn trái như: Xoài, cây có múi, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn idor…Tình hình chăn nuôi tương đối ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi. Tổng đàn bò hiện có 7.629. Tổng đàn heo 20.359 con. Tổng số nhà nuôi chim yến trên địa bàn huyện 93 nhà.

Về thực hiện nghị quyết 09 của tỉnh ủy An Giang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Giai đoạn 2017-2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn đã triển khai 37 mô hình cấp huyện, tổng kinh phí giải ngân trên 1,9 tỷ đồng đồng, đạt 100%. 08 mô hình cấp tỉnh, tổng kinh phí giải ngân trên 1,5 tỷ đồng đồng, đạt 98,84%.

Trong năm 2022, phòng Nông nghiệp & PTNT đã triển khai 12 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện với mỗi mô hình thực hiện được hỗ trợ  50 triệu đồng, gồm có 04 mô hình ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm đối với cây ăn trái, 05 mô hình chăn nuôi, 03 mô hình về thủy sản với tổng kinh phí thực hiện gần 1,8 tỷ đồng, vốn NTM hỗ trợ trên 596 triệu đồng, vốn dân đối ứng trên 883 triệu đồng và 01 mô hình ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho cây na thái d0u7o75c  hỗ trợ 200 triệu đồng.

Hầu hết các mô hình đang được triển khai từng bước cho thấy hiệu quả về kinh tế, giảm thiểu tác động từ các yếu tố về môi trường như tiết kiệm nước, công chăm sóc, việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuồng trại được đảm bảo giúp hạn chế dịch bệnh, góp phần tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn. Việc thực hiện các mô hình giúp từng bước đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất trên địa bàn huyện, giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng trọt, chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi mới có tính độc đáo, hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần thay đổi phương thức, tập quán sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập của người dân.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, Những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng như mô hình sầu riêng Ô Vàng xã Lê Trì đến nay đã được nhân rộng xuống vùng đồng bằng, trồng ở một số xã: Ba Chúc, Lê Trì, Lạc Quới, TT. Tri Tôn, Lương Phi...với tổng diện tích 82ha. Trong đó 30ha Vĩnh Phước chuẩn bị xuống giống. Mô hình chanh không hạt xuất khẩu LAT, Vĩnh Gia, Lạc Quới với diện tích trên 23ha, Mô hình trồng na thái trên nền đất triền núi và đất lúa kém hiệu quả với diện tích 41ha, tập trung ở Lê Trì, Lương An Trà...”

Ngoài ra cũng nhờ có diện tích đất nông nghiệp lớn, điều kiện sản xuất thuận lợi, huyện Tri Tôn thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài 14 dự án được triển khai thực hiện, tập trung vào sản xuất chuối cấy mô công nghệ cao để xuất khẩu, trại nuôi heo giống, heo thịt công nghệ cao, nhà máy sản xuất lúa giống, sản xuất lúa hữu cơ, kho chứa nông sản, nhà máy chế biến lương thực…Đặc biệt là  nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc của Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc thực hiện tại xã Lương An Trà đã khánh thành và đi vào hoạt động năm 2022. Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và Chế biến sữa công nghệ cao An Giang, thực hiện tại xã Vĩnh Gia đã khởi công giữa năm 2021.

Năm 2022 huyện kết hợp các doanh nghiệp đang  điều chỉnh để triển khai thực hiện các dự án lớn khác như dự án  “Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp công nghệ  cao  Hiệp Thành Phát” ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước; Dự án “Trại heo nái - heo thịt công nghiệp THAGRICO An Giang 2” tại ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi; Dự án “Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao” tại kênh T5, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước; Đang thẩm định các dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký trên địa bàn như: Dự án chăn nuôi vịt thịt theo hướng công nghệ cao thực hiện tại ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, vốn đầu tư 5 tỷ đồng, quy mô nuôi 19.500con/vụ, diện tích dự án 15.600m2; Dự án chăn nuôi bò thịt, thực hiện tại xã Châu Lăng, quy mô 100 con, diện tích 3.609 m2 và Đề án xây dựng vườn cây ăn trái kết hợp ngủ lều (Bảy Núi Farm), với diện tích 05ha tại khu vực Núi Dài – Ngọa Long Sơn, ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi.

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Tri Tôn đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Trong năm 2022 huyện đã thành lập Liên hiệp hợp tác xã Tri Tôn và 03 hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy đến nay trên địa bàn huyện có 26 hợp tác xã bao gồm: 25 HTX nông nghiệp; 01 HTX phi nông nghiệp, trong đó: có 24 HTX đang hoạt động và 02 HTX ngưng hoạt động đang chờ giải thể, Có 10 HTX liên kết với tập đoàn Lộc Trời, với diện tích 1.727 ha. Tổng số tổ hợp tác là 48 tổ với 600 thành viên và 23 trang trại chăn nuôi, trồng trọt đang hoạt động.

 Hiện nay, phòng Nông nghiệp & PTNT tiếp tục phối hợp với UBND các xã rà soát, xét chọn các chủ thể thực hiện mô hình phát triển sản xuất thuộc Chương trình khoa học công nghệ phục vụ nông thôn mới, trong đó ưu tiên các mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng năng suất, tăng lợi nhuận; các mô hình tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng trên sản phẩm nông nghiệp chủ lực của từng địa phương, sản phẩm Ocop, có liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm; các mô hình ứng dựng công nghệ tưới tiêu kết hợp điều khiển tự động; các mô hình bảo quản chế biến nông sản,... để hỗ trợ người dân mở rộng quy mô sản xuất, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân nhằm đáp ứng các mục tiêu xây dựng nông thôn mới” Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết thêm.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, Tri Tôn cũng đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt tại xã Lương An Trà, quy mô dự kiến 60 ha, nguồn vốn dự kiến đầu tư 2.503 tỷ đồng; Dự án trồng lúa và cây ăn trái hữu cơ tại xã Núi Tô, quy mô dự kiến 430 ha, nguồn vốn dự kiến đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án năng lượng mặt trời và chăn nuôi tại xã Lương An Trà quy mô dự kiến 519 ha, nguồn vốn dự kiến đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Châu Phong

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===