Công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Tri Tôn

Nông - Lâm nghiệp

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Tri Tôn

01/03/2024

Rừng và đất rừng của huyện Tri Tôn có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới.

Tổng Diện tích đất có rừng và rừng trồng chưa thành rừng trên địa bàn huyện Tri Tôn năm 2023 là: 6.980,31 ha, tỷ lệ che phủ rừng tập trung trên địa bàn huyện theo kết quả công bố hiện trạng rừng đến cuối năm 2023 là 10,61%. Trong đó:

+ Diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đồi núi trên địa bàn huyện, hiện nay được UBND tỉnh giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh quản lý trực tiếp (Do trạm quản lý rừng Cô Tô – Núi Dài trực tiếp phụ trách);

+ Diện tích rừng tràm đồng bằng gồm 3 khu gồm: rừng sản xuất lâm trường tỉnh đội 1.672 (ha) do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý trực tiếp; rừng sản xuất tràm Bình Minh 954 (ha) do Chi cục Kiểm lâm, và các hộ gia đình quản lý trực tiếp; Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến 256 (ha), Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh quản lý trực tiếp.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Khu vực Nam Bộ trong ba tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%, giảm dần về cường độ nhưng vẫn có khả năng duy trì tới tháng 6/2024 với xác suất khoảng từ 60-65%. Nhiệt độ trung bình 6 tháng đầu năm năm 2024 có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 – 1,5 0 C;, dự báo 4 tháng đầu năm 2024 ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, do vậy tình trạng khô hạn có thể kéo dài trong thời kỳ này.

Theo dự báo của Cục Kiểm lâm tại các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, một số nơi nguy cơ cháy rừng Cấp IV, Cấp V (Cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm) trong thời gian cao điểm của mùa khô.

Tình hình phát triển du lịch trên địa bàn huyện ngày một phát triển mạnh, lượng khách tham quan, du lịch, hành hương trên các đồi núi trong tỉnh ngày càng tăng. Do đó khả năng cháy rừng có thể sẽ tăng hơn so với các năm trước và cháy lớn trên diện rộng là rất cao, nhất là các khu vực rừng tràm, do đó cần hết sức cảnh giác, đề phòng.

Công tác kiện toàn về tổ chức, lực lượng: Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 02/01/2024 về việc kiện toàn thành viên Ban Chỉ huy Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững huyện Tri Tôn; 10 Ban chỉ huy cấp xã (08 xã; 02 thị trấn có rừng) cũng đã rà soát, ban hành các quyết định kiện toàn thành viên ban chỉ huy.

Xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng:

Cấp huyện: Ban chỉ huy huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch số 01/KH-BCH ngày 08/01/2024 về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024. Đồng thời xây dựng lịch trực chỉ huy trong công tác PCCCR hằng tháng.

Cấp xã: 10 Ban chỉ huy cấp xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024. Đồng thời xây dựng lịch trực chỉ huy trong công tác PCCCR hằng tháng.

Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh (đơn vị chủ rừng) đã xây dựng phương án bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng, được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Ban chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn đã chủ trì tổ chức hội nghị ký kết Kế hoạch hiệp đồng phòng chống cháy nổ, cháy rừng và cứu sập năm 2024 với Hạt Kiểm lâm và Công an huyện.

Biện pháp tuyên truyền:

Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phối hợp Trung tâm Văn hoá – Thể thao – Du lịch và Truyền thanh huyện, Truyền thanh các xã, thị trấn có rừng chủ động tuyên truyền và tổ chức phát thông điệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là thời kỳ cao điểm mùa khô. Thực hiện tổ chức bố trí các pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, các bảng cấm lửa xung quanh rừng nơi có nhiều người thường xuyên qua lại; Sơn vẽ chữ cấm lửa trên đá, treo bảng tam giác cấm lửa, treo băng rol bằng tiếng việt và tiếng Khmer ven đường giao thông, ven rừng, đường mòn lên núi…

Kiểm lâm địa bàn tham mưu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn có rừng thực hiện phổ biến các chủ trương, chính sách, các văn bản có liên quan về lĩnh vực Lâm nghiệp… để người dân hiểu, biết cùng thực hiện, đồng thời tuyên truyền trực tiếp khi tiếp xúc với dân trong quá trình hoạt động tại địa bàn và trong lúc tuần tra ngoài thực địa.

Biện pháp phòng cháy rừng:

* Xác định khoanh vùng trọng điểm cháy. 

Vùng đồi núi.

- Núi Cô Tô (số 01): Đồi 500, Tức dụp, Sân tiên, chùa Bồng lai, đồi Sơn rứa, phía trên các khu khai thác đá (An Tức, Ô Lâm).

- Núi Dài lớn (số 02): Ô vàng - vồ Đá bia, đồi 81, vồ Cờ, núi Trọi (Ba chúc, Lê Trì); khu vực Sà Lôn, Ô Bà bé, Ô Cây Chương, Bụng Ông Địa, Điện Tàu cao (Lương phi).

- Núi Tượng (số 03): vườn cây Tầm vông trồng xen rừng.         

Vùng đồng bằng: Rừng Tràm Bình Minh: Tập trung (69,36 ha của Chi cục Kiểm lâm quản lý và 894 ha diện tích rừng của hộ gia đình, cá nhân quản lý); rừng Tràm Tân Tuyến: 256 ha; rừng Tràm Lâm trường tỉnh đội: 976 ha.

* Biện pháp kỹ thuật, trực gác, cảnh báo cháy rừng:

Dự kiến thực hiện phát dọn, đốt chủ động  khoảng 7 (ha) các khu vực ven chân núi, hạn chế cháy lan từ các ruộng giáp với đất rừng, cũng như tạo đường băng trắng cản lửa ở các khu vực có nguy cơ cháy cơ.

Rà soát bố trí hợp đồng quan sát, tuần tra, bảo vệ rừng trực gác trong thời gian cao điểm của mùa khô 16 định suất (Ban quản lý rừng 10 định suất; Hạt Kiểm lâm 06 định suất khoán).

* Bố trí phương tiện, dụng cụ:

Phương tiện chuyên dụng để vận chuyển lực lượng và dụng cụ PCCCR phục vụ cho toàn huyện gồm: BCH Quân sự huyện quản lý 01 xe tải 05 tấn, Công an huyện quản lý 01 xe cải tiến vận chuyển nước, Hạt Kiểm lâm quản lý 01 xe ba bánh vận chuyển nước.

Đối với các dụng cụ, máy móc do Hạt Kiểm lâm liên huyện quản lý được giao cho BCH Quân sự huyện và các Trạm Kiểm lâm địa bàn để bố trí tại BCH quân sự, Công an xã, thị trấn.

Các đơn vị chủ rừng đã bố trí dụng cụ, phương tiện phòng cháy đến các khu vực trọng điểm cháy theo phương án được phê duyệt.

Về nguồn nước chữa cháy: Chủ yếu là các hồ Ô Tà Sóc, Soài so, soài chek; bồn tròn chứa nước 1m3; bồn vuông chứa nước từ 7m3 - 100m3, bồn Inox chứa 2m3. Đồng thời sử dụng nguồn nước dự trữ tại chổ chứa trong các cal nhựa tại các điểm chốt bảo vệ rừng và tận dụng các hố nước do dân tự tạo tại chổ trên các núi để xử lý ngay trong trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp cháy lớn thì huy động xe chở nước chuyên dụ̀ng, tải nước từ các kênh nội đồng gần nhất đối với khu vực cháy.

VÕ VĂN THANH

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===