Nhộn nhịp ẩm thực Khmer dịp Tết Nguyên đán 2024, tại xã Châu Lăng.

Văn hóa, Thể thao, Du lịch

Nhộn nhịp ẩm thực Khmer dịp Tết Nguyên đán 2024, tại xã Châu Lăng.

27/01/2024

Châu Lăng là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chan hòa cùng người Kinh, nên văn hóa ẩm thực trên địa bàn xã Châu Lăng rất đa dạng phong phú, mỗi món ăn đều mang hương vị bản sắc riêng. Khách du lịch gần xa, khi đến huyện Tri Tôn vào dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, bên cạnh việc tham quan những di tích cách mạng, tìm hiểu về văn hóa lịch sử hào hùng, cảnh đẹp của thiên nhiên núi rừng hoang sơ và hùng vĩ, mà còn có thể tìm đến, và thưởng thức các món ăn ăn đặc sản dân dã thơm ngon, độc đáo của đồng bào Khmer trên địa bàn xã Châu Lăng.

Trên tuyến Tỉnh lộ 955B hướng lên khu di tích Ô Tà Sóc xã Lương Phi, du khách có thể dừng chân thưởng thức những món ăn nổi tiếng, trong đó có món đu đủ đâm, tại cung đường ẩm thực Khmer, nằm gọn trong con đường nhỏ của ấp Phnom-Pi và ấp An Thuận, với đặc điểm nhận dạng phía trước con đường ẩm thực là trường tiểu học “B” Châu Lăng, và cổng chùa Phnom-Pi cổ kính. 

Bạn Nguyễn Hoàng Sang, du khách tại tp Hồ Chí Minh, đến Tri Tôn du lịch, hào hứng cho biết:“Em đến đây du lịch vì tại đây có nhiều cảnh đẹp và những món ăn ngon, độc đáo, bắt miệng. Thường em sẽ thích ăn đu đủ đâm và xiên que nướng, cô chủ quán có làm nước chấm rất đặc biệt để ăn kèm với gỏi đu đủ, em thấy món ăn này dành cho mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ em đều có thể ăn được”.

Responsive image

Mỗi khi có dịp về xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, người ta thường tìm ăn bằng được món đu đủ đâm độc đáo lạ miệng nơi đây, với công thức nêm nếm, kết hợp cùng những nguyên liệu sẳn có, dân dã.... Nhai chậm rãi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ của sợi đu đủ giòn sần sật, cùng vị mằn mặn nhưng không quá gắt của mắm. Cộng hưởng thêm là vị chua của chanh, vị cay của ớt kèm vị béo của đậu phộng, mùi thơm của rau mọi vị cảm hoà quyện vào nhau.

Chị Kim Sin- chủ quán đu đủ đâm Kim Sin, ấp Phnom-Pi cho biết:“Đu đủ đâm nguyên liệu chính gồm đậu đũa, chanh, hành, đậu phộng, ba khía, đường, bột ngọt…. Ngày thường thì chị bán được khoảng 30kg đu đủ, ngày thứ 7 chủ nhật thì từ 50-70kg vậy đó, bò thì tiêu thụ khoảng 20kg thịt để làm xiên nướng. Dĩa nhỏ đu đủ đâm là 10 ngàn đồng, dĩa lớn thì 20k đồng, thường thực khách đến ăn thì người ta ăn kèm thêm với hột vịt. Ngày thường chị bán được khoảng 100-200 dĩa, ngày Tết thì gần 1.000 dĩa đu đủ đâm”.

Tại cung đường ẩm thực này, bên cạnh món đu đủ đâm, du khách gần xa còn có thể thưởng thức các món ăn hấp dẫn khác, trong đó phải kể đến món bò nướng ghim, chân gà nướng. Đặc biệt món ếch nướng, cũng là một món ăn rất độc đáo và hấp dẫn, với hương vị lạ miệng, vừa ngon, vừa hấp dẫn, khách gần xa có thể thưởng thức món ếch nướng dồn thịt được bán tại công viên trên địa bàn ấp Cây Me, xã Châu Lăng. Sau khi được lột sạch lớp da sần sùi, làm sạch ruột, những con ếch sẽ được bằm nhuyễn chung với thịt ba rọi, sả, ớt, một ít nghệ tươi tạo màu vàng bắt mắt cho món ăn. Sau đó sử dụng cặp gắp bằng cây tre nướng trên than đỏ lửa. Chỉ qua 2-3 lần trở tay, thịt ếch đã bắt đầu săn lại, mỡ từ thịt ếch tươm ra, chảy vào than nổ lách tách, mùi thơm tỏa ra vô cùng quyến rũ thực khách đến từ phương xa.

Chị Neang Ny- ngụ ấp Cây Me, xã Châu Lăng, phát biểu:“Chị bán thường thường vào giấc trưa, tầm 11-12h gì đó, chị bán ếch nướng dồn thịt tại ấp Cây Me, xã Châu Lăng. Nguyên liệu chính là mình xây thịt heo, sả, lá chúc, bâm nhuyễn dồn vào con ếch, rồi đem nướng lên. Hồi mười mấy năm trước người ta ít biết đến món này, nên ít ai ăn lắm, sau này chị buôn bán lâu năm, người ta biết đến dần dần thì họ cũng ăn nhiều. Nước chấm để ăn cùng ếch nướng, thì lúc trước chị làm nước mắm me, khi nào hết mùa me thì chị làm nước mắm xoài, cũng cho gừng rồi sả bỏ vô thêm”.

Ngoài ẩm thực Khmer đặc trưng, thì trên địa bàn xã Châu Lăng còn có những ngôi chùa Phật giáo Khmer nam tông cổ kính và đẹp, tiêu biểu như chùa Phnom-Pi giữa, đây là một trong những ngôi chùa Khmer hiếm hoi sơn mái vàng tường trắng. Với lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan và chụp ảnh. Hoặc tham quan, chùa Hàng Còng hay còn được gọi với tên khác là chùa Krăng Krốch, tọa lạc ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Đến với chùa Hàng Còng, du khách sẽ vô cùng ấn tượng bởi hàng còng cổ thụ nối dài từ cổng vào bên trong chùa. Hai hàng còng to lớn với các nhánh cây hướng vào nhau tạo thành mái vòm tự nhiên che mát cả con đường mang đến cảm giác bình yên, thư thái. Khách du lịch gần xa sau khi thưởng thức các món ăn ngon, thì có thể ghé chùa, bái Phật cầu bình an trong năm mới, cũng như lưu lại kỉ niệm đẹp, thông qua những tấm hình chụp cùng gia đình, bạn bè, người thân.

Responsive image

Xã Châu Lăng được thụ hưởng chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xã Châu Lăng đã triển khai nhiều dự án có hiệu quả chăm lo cho người nghèo, nhiều tuyến đường nông thôn được duy tu, sửa chữa, bê tông hóa, thuận tiện cho giao thông, vận chuyển hàng hóa và du lịch. Bên cạnh đó, với lợi thế có nhiều cảnh đẹp tự nhiên, kết hợp sự giao thoa văn hóa giữa đồng bào dân tộc Kinh, Khmer, và những món ăn ngon miệng, con người hiền hòa, chân chất, cùng với nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực du lịch được xã Châu Lăng xác định là động lực, để thúc đẩy kinh tế - xã hội xã nhà phát triển nhanh và bền vững.

Minh Ngọc

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===