Gương cựu chiến binh chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo

Người tốt - Việc tốt

Gương cựu chiến binh chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo

11/05/2022

Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa được Hội Cựu chiến binh xã Lương An Trà quan tâm thực hiện trong những năm qua. Từ hoạt động này, nhiều hội viên cựu chiến binh của xã đã vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Trong đó điển hình là cựu chiến binh Phạm Tấm Khương ngụ tại ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà.

 Ông Phạm Tấn Khương, sinh năm 1965 quê quán Châu Phú, An Giang, nhưng lại gắn bó với vùng đất mặn, phèn chua Lương An Trà. Ông nhập ngũ 1985 đến năm 1988 được xuất ngũ trở về địa phương, đến năm 1989 ông lập gia đình và sống tự lập. Không có đất sản xuất, vợ chồng ông phải đi làm thuê kiếm sống và nuôi 2 đứa con nhỏ hay đau yếu. Vợ ông mua gánh bán bưng hàng ngày, nhưng cuộc sống quá gian nan cực khổ, vẫn thiếu trước hụt sau, nhà cửa tạm bợ. Là người lính được đào tạo trong quân đội về tinh thần, nghị lực, ý chí của ông không cam chịu cảnh đói nghèo quyết tâm vượt lên số phận để có cuộc sống ổn định hơn.

Năm 1995, nhà nước có chính sách di dân về vùng kinh tế mới (nay là xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) cho dân đăng ký khai hoang phục hóa vùng đất phèn, lúc đó cũng ít người dân nào dám đăng ký vì sợ phèn, nhưng ông nghĩ vào vùng kinh tế mới được Nhà nước hỗ trợ định cư và cấp đất để sản xuất, nên ông cùng gia đình đăng ký vào dự án Kinh tế mới xã Lương An Trà để định cư lập nghiệp.

Khi vào vùng kinh tế mới, ông Khương được Nhà nước cấp 3 ha đất để sản xuất, năm đầu tiên bị thất trắng vì đất quá phèn, nước uống không được phải đi nơi khác chở nước về sinh hoạt trong gia đình. Qua 3 năm cải tạo đất, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần phải bán 6,5 công đất trả nợ và tiếp tục tái đầu tư sản xuất cho những năm sau. Trong một dịp đi tham quan vùng Đồng Tháp Mười, ông học được một số kỹ thuật trồng trọt như đào mương thoát phèn cho đất, đến năm 1998 vùng đất Cà Na chuyển lên lúa 2 vụ, ông trang sửa mặt bằng và đào thông mương thoát phèn. Nhờ đó, vụ Đông Xuân năm 1999 sản xuất mang lại hiệu quả cao, năng suất bình quân từ 5,5 tấn trên ha, những năm sau đó năng suất ngày càng nâng cao nên gia đình ông tích lũy được một số vốn. Đến năm 2006, ông mua thêm được 5 ha đất ruộng, với diện tích 7,3 ha sản xuất 1 năm trừ chi phí thu được lợi nhuận từ 210 triệu đồng. Qua số tiền trên, ông bắt đầu mua sắm thêm 02 chiếc máy bơm K15 vừa phục vụ sản xuất, vừa làm dịch vụ bơm tưới cho số người sản xuất xung quanh có nhu cầu với diện tích là 200 công, trừ chi phí nhiên liệu còn lãi được 20 triệu đồng. Cũng từ đó gia đình ông mua được 1 chiếc máy cày hiệu KUBOTA công suất 3100 để phục vụ sản xuất cho gia đình, bên cạnh còn làm thêm dịch vụ cày xới, trang sửa mặt bằng. Hằng năm, trừ chi phí khấu hao, tài sản lợi nhuận còn lại ước tính khoảng 95 triệu đồng. Qua thời gian làm ăn mang lại hiệu quả, đến năm 2010 gia đình ông mua thêm được 1,7 ha đất tổng cộng là 9 ha, lợi nhuận gia đình thu được mỗi năm từ sản xuất lúa khoảng 289,5 triệu đồng.

Ông Phạm Tấn Khương chia sẻ:

“Có được như hôm nay là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Chính quyền và Hội Cựu chiến binh cùng Phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn, trang bị cho tôi có những kiến thức trong các lớp dạy nghề và không ngừng khích lệ tinh thần, giúp cho tôi cùng hăng hái lao động sản xuất hơn.Từ đó gia đình tôi quyết tâm gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương Chính sách Pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nuôi dạy con cháu ngoan hiền, tham gia các phong trào vì người nghèo, thực hiện theo các tiêu chí của Hội Cựu chiến binh xã đề ra,…giúp đỡ hội viên Cựu chiến binh nghèo chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng Hội trong sạch vững mạnh xuất sắc và xây dựng quê hương xã Lương An Trà ngày càng trù phú giàu đẹp hơn”.

Ông Nguyễn Văn Công – Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Lương An Trà chia sẻ:

Ngoài là một người lính Cụ Hồ siêng năng, cần cù trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ông còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào cách mạng tại địa phương. Từ năm 2017 đến nay, ông Khương được bình chọn là nông dân giỏi cấp huyện và tỉnh, gia đình luôn giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa 5 năm. Xuất phát từ ăn nên làm ra, hàng năm gia đình ông Khương đóng góp quỹ xã hội từ thiện – vì người nghèo mỗi năm từ 5 – 10 triệu đồng, song song đó ông còn làm tốt việc xây dựng quỹ Hội. Với những gì đạt được, giờ đây ông Khương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên khác, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình để cùng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình”.

Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, được rèn luyện trong môi trường quân đội, khi trở về với đời thường không chịu lùi bước trước khó khăn, cựu chiến binh Phạm Tấn Khương đã thể hiện ý chí phấn đấu vươn lên, không cam chịu đói nghèo, vượt khó phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái ăn học thành tài. Đây thật sự là tấm gương để nhiều cựu chiên binh khác học tập và noi theo.

Sang Sang

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===