Điều kiện tự nhiên- xã hội
22/01/2019
Tri Tôn là địa phương có địa hình đa dạng, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng với nhiều kênh mương lớn nhỏ ngang dọc. Khu vực đồng bằng có độ cao dao động từ 0.8m – 2.2m bao bọc chung quan núi là đồng bằng chân núi.
Hệ thống kênh rạch tương đối dày đặc với những kênh chính như: kênh Tám Ngàn, Vĩnh Tế, Vĩnh Thành, Mạc Cần Dưng, Tri Tôn, kênh 10, 11, 12, 13, Tân Vọng, Châu Phú, T4, T5, T6, kênh 15 mới, kênh Phú Tuyến, kênh Huệ Đức, kênh Cà Na, kênh Ninh Phước, Năm Xã, H7, Tân Tuyến, Ranh Tây… Hệ thống kênh mương này vừa có thể phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt và giao thông đường thủy vừa đóng vai trò quan trọng trong việc rửa phèn, cải tạo đất và là hệ thống thoát lũ ra biển Tây.
Với tổng diện tích đồi núi chiếm 4.173 ha, huyện Tri Tôn còn sở hữu nhiều ngọn núi đẹp gồm: núi Cô Tô, núi Dài, núi Tượng, núi Nước, trong đó có Cô Tô, còn gọi là Phụng Hoàng Sơn với độ cao 614m, thuộc cụm núi Cô Tô, xã Cô Tô. Ngoài ra, còn có đồi Tà Pạ và núi Nam Qui.
Địa hình huyện Tri Tôn là dạng địa hình đặc thù ít có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, dạng địa hình chuyển tiếp giữa núi và đồng bằng này đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc thuận lợi để phát triển du lịch.
Cùng với huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh An Giang. Với hai loại rừng tự nhiên và rừng trồng. Những năm gần đây, huyện đã tập trung phát triển rừng trồng, phủ xanh đồi trọc. Tính riêng năm 2018, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện là 6.010,68 ha. Trong đó, rừng sản xuất là 1.966,01 ha chiếm 3,33%; rừng phòng hộ 4.014,68 ha chiếm 6,69%. Động vật trong rừng khá phong phú với nhiều chủng loại như khỉ, heo rừng, trăn, rắn và các loài chim. Có thể nói, rừng là lợi thế của huyện Tri Tôn trong việc bảo tồn nguồn GEN quý kết hợp với việc phát triển ngành du lịch sinh thái.
Với địa hình đồi núi, đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, lương mưa nhiều và phân bổ theo mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm khá cao và ổn định khoảng 27,50C, biên độ nhiệt giữa các tháng nóng nhất và lạnh nhất từ 2-30C, là điều kiện khá thuận lợi để Tri Tôn phát triển cây ăn trái với phẩm chất tốt và hương vị đặc trưng của vùng như: Xoài thanh ca, xoài đu đủ, vú sữa, mít nghệ, mãng cầu ta, thanh long,…Đặc biệt vùng Núi Dài và Núi Cô Tô, ở độ cao trên 300m so với mực nước biển rất thích hợp trồng các loại cây có múi như: sầu riêng, quýt đường,… có hương vị đặc trưng của vùng. Những tiềm năng, lợi thế về địa hình và khí hậu đặc trưng này là điều kiện để huyện Tri Tôn quy hoạch và thực hiện các kế hoạch về phát triển các loại cây ăn trái đặc sản, hình thành những vùng cây ăn trái phục vụ du lịch.
Tri Tôn có 4 nhóm đất chính gồm: Đất phù sa, đất phèn, đất than bùn, đất cát núi và nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú với nhiều chủng loại gồm than bùn ở Núi Tô, Vĩnh Phước, Cô Tô, Lương An Trà, An Tức, Tân Tuyến, Ô Lâm với trữ lượng dự báo lên đến 15 triệu tấn. Đây là nguyên liệu tốt để sản xuất phân vi sinh sử dụng cho sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản; đá xây dựng với trữ lượng triển vọng lên đến trên 169 triệu m3. Trữ lượng khoáng sản lớn nhất của Tri Tôn là đá granit được dùng làm vật liệu xây dựng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tri Tôn còn có nước khoáng có thể khai thác sản lượng 790 m3/ngày, là nước khoáng thiên nhiên đóng chai có thể khai thác công nghiệp phục vụ tiêu dùng.