Phát triển kinh tế
23/01/2019
1. Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp:
Với lợi thế đất rộng, người thưa, huyện Tri Tôn có nhiều thuận lợi trong triển khai tập trung ruộng đất, phục vụ canh tác lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy An Giang, huyện Tri Tôn đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nội ngành nông nghiệp theo nướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời mở rộng cả về quy mô, đối tượng, chủng loại giống cây trồng có giá trị cao để sản xuất hàng hóa mang tính đặc trưng và phát huy thế mạnh của địa phương như: vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng dược liệu, cây ăn trái, chuối cấy mô, chăn nuôi theo hướng trang trại, hình thành vùng chuyên canh màu. Nhờ việc áp dụng thành công công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất trên các lĩnh vực bước đầu đạt được kết quả hết sức khả quan.
Đến nay, địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương, một số mô hình bước đầu tạo được hiệu quả trong việc nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề phát triển đó là: mô hình Lúa chất lượng cao, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, cây dược liệu, cây ăn quả, hoa lan, cây cảnh và chăn nuôi bò, heo.
Hình thành vùng chuyên canh trồng chuối cấy mô xuất khẩu và chăn nuôi bò, heo công nghệ cao liên kết với các doanh nghiệp, nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 121,9 triệu đồng/ha. Đây chính là tín hiệu tích cực về hướng phát triển bền vững, cho những giai đoạn sau này. Tính đến năm 2018, hầu hết các sản phẩm chủ lực của ngành đều phát triển đạt từ 50-70% so với kế hoạch đề ra và có nhiều bước tiến quan trong về kỹ thuật sản xuất, phương thức sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt là người dân đã bắt đầu có sự thay đổi trong ý thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong quá trình sản xuất đã thực hiện sử dụng giống cây trồng có kiểm định, kiểm nghiệm, có nguồn gốc, xuất sứ; ứng dụng các biện pháp tưới tiên tiến cho cây trồng; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa và rau màu: máy bón phân, máy phun thuốc, máy cấy lúa, máy cuốn rơm, máy thu hoạch mè,…
2. Khu vực công nghiệp – xây dựng:
Ngành công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ tọng 16% trong cơ cấu kinh tế của huyện Tri Tôn. Mặc dù, ngành công nghiệp – xây dựng của huyện có quy mô còn nhỏ, nhưng có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Nhịp độ tăng trưởng của toàn ngành, nhìn chung luôn cao hơn mức tăng chung của toàn bộ nền kinh tế (năm 2016: tăng 13,23%, năm 2017: tăng 14,87%, năm 2018: tăng 15,77%). Trong nội bộ ngành công nghiệp – xây dựng, thì ngành xây dựng có nhịp độ tăng trưởng nhanh hơn và ngày càn chiếm tỷ trọng cao, cao hơn ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng của huyện ít biến động, trung bình ngành công nghiệp chiếm khoản 44,7%, ngành xây dựng chiếm khoảng 55,3%...
3. Khu vực thương mại, dịch vụ và du lịch:
a. Thương mại, dịch vụ:
Những năm gần đây, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện ngày càng năng động, có bước chuyển nhanh, sức mua trên thị trường ngày càng tăng. Năm 2018, toàn huyện Tri Tôn có 7.342 hộ hoạt động kinh doanh với 11.397 lao động tham gia.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ huyện phát triển khá mạnh. Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,89% so với cùng kỳ, năm 2018 tăng 13,49% so với cùng kỳ. Huyện đã tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống các chợ theo hình thức xã hội hóa để đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân địa phương cũng như nhu cầu mua sắm của du khách. Đến nay huyện có 20 điểm chợ, trong đó có 13 điểm chợ có nhà lồng. Huyện đã nâng ấp chợ Tri Tôn và mở rộng khu thương mại Tri Tôn về hướng Đông với qui mô trên 23 ha. Thời gian đến huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới chợ An Tức; đầu tư hạ tầng cửa khẩu phụ Vĩnh Gia kết hợp trung tâm thương mại biên giới, xã hội hóa đầu tư chợ Ô Lâm, chợ Lương Phi…
b. Du lịch:
Cùng với nông nghiệp, du lịch được xác định là ngành kinh tế động lực, mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh và bền vững. Trong thời gian qua, để có thể phát huy mạnh mẽ tiềm năng du lịch hết sức phong phú, đa dạng của địa phương, huyện đã tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ,… Nhờ đó, công tác quản lý các điểm tham quan du lịch ngày càng được cải thiện, hạ tầng kỹ thuật ngày càng phát triển, các sản phẩm du lịch ngày càng được nâng cao và dần mang tính chuyên nghiệp, bước đầu tạo dựng được thương hiệu, uy tín với khách du lịch trong và ngoài nước.
Huyện đã thực hiện việc kết nối các điểm đến để tạo điểm nhấn giúp du khách có cơ hội trải nghiệm nhiều loại hình du lịch cùng lúc khi đến với Tri Tôn như: núi Cô Tô có hồ Soài So, hang Tuyên Huấn cùng gắn với quần thể Đồi Tà Pạ, kết nối đồi Tức Dụp; Núi Dài có Ô Tà Sóc, là căn cứ cách mạng trong thời kỳ chống mỹ với các danh lam khác, Hồ Ô Đá, Suối Vàng, Núi Tượng, Núi Nước và quần thể Núi Nam Quy gắn liền với khu du lịch Lâm Viên núi Cấm; đồng thời; huyện đã tập trung xây dựng; tôn tạo các hạng mục trọng điểm của Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp đối với các hạng mục quan trọng như: Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, hang Ban Chỉ huy quân sự, hang Ban Tuyên huấn,… đề có thể đưa khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này trở thành một điểm du lịch lịch sử, tâm linh nổi tiếng. Trong thời gian gần đây, nhằm tạo thuận lợi cho du khách trải nghiệm, khám phá Tri Tôn, huyện đang xây dựng, quảng bá hình ản các khu, điểm du lịch, làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng, những nơi cung cấp các món ẩm thực nổi tiếng… Chỉ cần quét mã Qrcode trên các panô quảng bá, du khách sẽ có đầy đủ thông tin, hình ảnh, chỉ dẫn đường đến các địa điểm này.
Hiện nay, huyện đang thực hiện phương châm mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân là một “đại sứ du lịch”, một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về quê hương, địa danh, nết độc đáo văn hóa dân tộc, sản phẩm đặc trưng vùng miền của huyện. “Mỗi người thực hiện mời gọi ít nhất một người bạn, người thân hay đối tác ngoài huyện về đầu tư, tham quan du lịch ở Tri Tôn. Thực hiện có hiệu quả hoạt động này sẽ góp phần tạo sự lan tỏa sâu rộng, tích cực hơn để quảng bá về du lịch của huyện. Năm 2018, trên lĩnh vực du lịch đã có gần 600.000 lượt du khách đến tham quan, tăng hơn 120.000 lượt so với năm 2016, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Riêng trong 6 táng đầu năm, tổng số khách đến tham quan trên địa bàn huyện là 387.541 lượt người.
Để khai thác những thế mạng về du lịch tại huyện Tri Tôn, đã có một số nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hướng đầu tư trên lĩnh vực du lịch của huyện như: Cty Cổ phần du lịch An Giang đã được UBND tỉnh An Giang cho chủ trương thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tức Dụp 2 (hồ Ô Thum), xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, Cty TNHH MTV Lộc Ngọc Xuân III nghiên cứu đầu tư trang trại chăn nuôi cá sấu và đà điểu công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng; quy mô 17,6 ha,…Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã có những tìm hiểu, nghiên cứu về những tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện, nhất là các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm,…