Tri Tôn khánh thành Bia chiến thắng Hoạch Lân, Bia ghi danh nữ liệt sĩ anh hùng Lê Thị Sy
15/09/2023
Ngày 15/9/2023, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Tri Tôn tổ chức khánh thành công viên Văn hoá Lê Trì, Bia chiến thắng Hoạch Lân và Bia ghi danh nữ liệt sĩ, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Thị Sy. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 59 năm Ngày Chiến thắng Hoạch Lân 18/9/1964 – 18/9/2023.
Đến dự có Đ/c Nguyễn Tiếc Hùng - UVBTV tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh AG; Đ/c Võ Nguyên Nam - UVBTVTU, Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy; Đ/c Đinh Thị Việt Huỳnh -TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang; Đ/c Cao Quang Liêm – TUV, bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Tri Tôn. Nguyên lãnh đạo tỉnh và huyện Tri Tôn, xã Lê Trì cùng bà con nhân dân đến dự.
Công trình được xây dựng trên diện tích 3.800m2 tại vị trí diễn ra trận đánh ấp chiến lược Hoạch Lân năm 1964, đối diện ngay UBND xã, có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, trong này ngân sách huyện hỗ trợ 1 phần, còn lại vận động các công ty, doanh nghiệp và nhân dân trong xã Lê Trì đóng góp.
Phát biểu tại buổi lễ, bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, tại ấp chiến lược Hoạch Lân, vào ngày 11/9/1964 lực lượng vũ trang huyện, du kích xã Ba Chúc bao vây đồn Phổ Đà, Bộ đội Tỉnh tổ chức phục kích lộ Lạc Quới- Ba Chúc…đánh địch vào giải toả, không tấn công được vào hướng Lạc Quới, địch chuyển hướng giải toả đồn Phổ Đà bằng hướng Lê Trì sang Ba Chúc; Sáng 18/9/1964 theo hướng từ Ba Xoài địch tập trung 5 Đại đội bảo an hành quân qua Lê Trì sang Ba Chúc nhằm giải toả. Nắm được ý định của địch, tiểu đoàn 364 lực lượng bộ đội tỉnh phối hợp với lực lượng du kích Lê Trì, Ba Chúc bố trí lực lượng phục kích bên ngoài ấp chiến lược Hoạch Lân; Khoảng 9 giờ sáng ngày 18/9/1964, địch lọt vào trận địa phục kích của ta, trận đánh diễn ra ác liệt đến 6 giờ chiều, ta đánh tan rã hoàn toàn 2 đại đội, tiêu hao 3 đại đội, diệt và làm bị thương 200 tên, bắt sống 20 tên, thu 70 súng các loại, 5 máy thông tin…,ta hy sinh 4 đồng chí, 8 đồng chí bị thương.
|
Chiến thắng Hoạch Lân có sự đóng góp của dân quân du kích xã Lê Trì, mà Người xã đội Trưởng Lê Trì ngày ấy chính là chị Lê Thị Sy. Chị sinh năm 1939 tại Sài Gòn, Cha là người Pháp, Mẹ là người Việt tại vùng quê Bảy Núi, Năm 1944, chị về sống bên ngoại tại Ba Chúc, Năm 1954, mới 15 tuổi chị đi làm y tá. Năm 1955, chị được phân công làm giao liên, thường xuyên xuôi ngược tuyến Bảy Núi- Châu Đốc. Năm 1960, được phân công làm công tác binh vận, chị đã xây dựng cơ sở nội tuyến. Đội du kích Lê Trì do chị chỉ huy rất táo bạo, tìm địch mà đánh đã góp phần lập được nhiều thành tích, bảo vệ an toàn cho căn cứ Tỉnh uỷ tại Ô Vàng. Đầu năm 1964 chị được đề bạt làm xã đội Trưởng Lê Trì, sau đó được phân công về huyện đội Tri Tôn thực hiện nhiệm vụ giao liên và bộ phận quân giới.
Từ năm 1965-1969 chiến trường ác liệt, máy bay địch thường xuyên rải các loại bom mìn, nhất là mom bi, chị luôn tìm tòi học hỏi tập cách tháo gỡ bom mìn, từ những quả bom chưa nổ, trong thời gian này chị nhặt cả ngàn trái bom chưa nổ chuyển về bộ phận quân giới để chế tạo vũ khí đánh Địch, và cũng từ đây biệt danh “Cô gái Bom Bi” ra đời.
Tháng 3/1969 trong khi làm nhiệm vụ chị bị trúng bom từ máy bay địch và hy sinh, chỉ còn lại một phần thân thể. Rồi một lần nữa máy bay Mỹ lại ném bom trúng ngay phần mộ của chị, thịt xương chị đã hoà vào đất, đá, bông, hoa, cây cỏ của vùng đất Bảy Núi anh hùng. Ghi nhận cống hiến của đồng chí, ngày 30/11/2011 đồng chí Lê Thị Sy được Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Công viên Văn hoá Lê Trì, cùng với bia chiến thắng và bia ghi danh được khánh thành thể hiện sự trân trọng, tôn vinh những cống hiến, hi sinh vô cùng to lớn của các thế hệ chiến sĩ đã ngã xuống tại nơi đây; đồng thời cũng thể hiện mong muốn nơi đây sẽ trở thành địa điểm văn hóa, là nơi các cháu học sinh, thanh niên tổ chức các hoạt động về nguồn, tìm hiểu, vun đắp truyền thống lịch sử và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Lê Trì kiên trung, anh hùng
Dịp này, Trường đại học Cửu Long cũng trao 1 bộ dụng cụ thể dục thể thao đặt trong khuôn viên công viên với kinh phí 20 triệu đồng. UBND huyện Tri Tôn cũng trao 10 phần quà cho các gia đình chính sách
Châu Phong