Làm con phải hiếu nghĩa với cha mẹ

Văn hóa, Thể thao, Du lịch

Làm con phải hiếu nghĩa với cha mẹ

22/08/2021

Dù cuộc sống có thay đổi, con người thời hiện đại phải đối mặt với nhiều vấn đề của nhịp sống công nghiệp, thì chữ “Hiếu” vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa với mỗi con người. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý công ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Ngày Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con.

Tháng bảy lại về, mùa Vu lan báo hiếu lại đến không khí trầm mặc giữa những ngày đầu thu. Trong mỗi chúng ta ai ai cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về cuộc đời, nghĩ về cha, nghĩ về mẹ.Vu lan - hai tiếng nghe thật thân thương. Khi ai đó nhắc đến vu lan lòng ta lại bồi hồi nhớ mẹ. Mẹ ơi!... Phải chăng trong trái tim chúng ta, cha mẹ luôn là hình ảnh cao đẹp nhất; Mẹ là quê hương, cha là núi Thái Sơn, cha mẹ là tất cả, tình thương của cha, mẹ như mạch nguồn không bao giờ cạn. 

Chị  Ngô Thị Hoài, một người dân ở huyện Tri Tôn cảm nhận“Không thể phủ nhận công sinh thành của mẹ. Chín tháng mười ngày mang nặng, đẻ đau mẹ phải chịu bao nhọc nhằn vất vả. Khi con chào đời và trưởng thành là cả một quãng thời gian dài dằng dặc. Những lúc trái gió trở trời ốm đau, bệnh tật mẹ chính là vị bác sĩ tuyệt vời bên con, ru con giấc ngủ ngon lành. Lo cho con từ miếng sữa đầu tiên, đến khi đi học, rồi ra trường tốt nghiệp 12, lên đại học. Mẹ tiển con lần đẩu xa quê, lên thành phố học bằng những lời dặn dò vả cả nước mắt mẹ rơi, với mong muốn con  học tốt, ra trường có việc làm ổn định, thu nhập cao. Và rồi ngày con kết hôn, theo chồng, mẹ lại tiễn con lên xe hoa bằng những gọt nước mắt bịn rịn,cả cuộc đời của mẹ chỉ dành trọn cho con tất cả”

Cuộc sống cứ hối hả trôi đi. cha mẹ bận công việc mưu sinh, con cái bận học hành. Có biết bao người ông, người bà, người cha, người mẹ dẫu vẫn sống bên cạnh con cái nhưng không ít lần lặng lẽ khóc thầm vì buồn tủi, cô đơn. Đã có không ít những đứa con bất hiếu đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thậm chí còn đánh đập người đã mang nặng đẻ đau mình vì coi họ là gánh nặng. Người già không nơi nương tựa phải vào trung tâm dưỡng lão, lang thang kiếm sống đã tạo ra áp lực lớn cho xã hội. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của con người trong xã hội hiện đại.

Tình cha nghĩa mẹ đối với con cái rất đậm đà, sâu lắng, không giới hạn. Có những lúc trong đời, vì chạy theo cuộc sống vật chất mà chúng ta quên nghĩ đến cha mẹ. Nhưng khi gặp khó khăn thất bại, bị cuộc đời vùi dập thì nơi gốc trời xa yêu dấu, bỗng nhiên chúng ta nhớ đến cha mẹ và thương cha mẹ nhiều hơn. Con có thể quên cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ bỏ rơi con, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành. Hình ảnh của cha mẹ luôn là điểm tựa vững chắc cho con bước vào đời. Từ khi lọt lòng đến nay, hai vai ta mang nặng công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ nhiều đời không thể tính được.

Mỗi con người sinh ra ai đều có cha, có mẹ, những người may mắn lớn lên còn được sự chăm sóc yêu thương của cha mẹ, cũng có những người tạo hóa không cho họ sự may mắn đó, cha hoặc mẹ mất sớm, tất cả mỗi con người không ai muốn điều bất hạnh này xảy ra.

Do đó đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ, người đã có công sinh thành dưỡng dục giúp ta nên người. Công lao ấy cao tựa Thái Sơn, tinh khiết, thẳm sâu như suối nguồn vô tận. Người làm cha mẹ luôn lấy sự thành đạt của con cái làm vui. Con cái biết giữ gìn nề nếp gia phong, sống kính trên nhường dưới, không đánh mất mình trước những cám dỗ của cái xấu, cũng là cách để thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ. Phụng dưỡng đấng sinh thành hàng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật... luôn được xem là tiêu chí đầu tiên trong việc đánh giá lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Ai không làm được điều này, tệ hơn nữa là ngược đãi, hắt hủi cha mẹ sẽ bị xã hội lên án.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, ngụ ấp An Thuận xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn  chia sẻ “cuộc sống sẽ màu hồng nếu như có cha mẹ bên cạnh. Mẹ là người sinh thành, còn cha là người truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm sống. Những vấn đề vướn mắt, không thể giải quyết  được tôi luôn hỏi ý kiến cha và được cha chỉ dẫn cho hướng đi đúng đắn. Tình thương của cha không biểu hiện ra bên ngoài như mẹ, không phải thương là âu yếu, dỗ dành, là bên vực. Mà tình thương của cha dành cho mõi người con luôn để trong tim, khi gặp chuyện gì đó mới bộc lộ ra. Thật sự mà nói cũng nhờ có cha mà cuộc sống, tương lai tôi được rộng mở, gia đình hạnh phúc.”

Chẳng biết Vu Lan có từ bao giờ nhưng đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Vu Lan là dịp để mỗi gia đình được sum họp, đầm ấm, con cháu hỏi han và chia sẻ với ông bà, cha mẹ những niềm vui, nỗi buồn. Vu Lan là dịp để chúng ta hồi hướng đến ông bà, Tổ tiên đã mất, cầu chúc cho linh hồn họ được siêu sinh tịnh độ, cầu cho cha mẹ mình được hưởng phúc an lành.

 

 

Châu Phong

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===