Những điểm đến tại Tri Tôn không thể bỏ qua

Lịch sử văn hóa

Những điểm đến tại Tri Tôn không thể bỏ qua

23/01/2019

Sở hữu 4 ngọn núi trong dãy Thất Sơn huyền bì, Tri Tôn với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hoang sơ cùng những di tích văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng đã thu hút rất nhiều du khách đến đây khám phá, tìm cho mình phút giây thư giãn và lưu lại những bức ảnh ấn tượng.

Căn cứ Ô Tà Sóc, đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc

Những người yêu thích lịch sử cách mạng, không thể bỏ qua di tích lịch sử Ô Tà Sóc và đồi Tức Dụp – 2 căn cứ của Tỉnh ủy năm xưa, gắn liền với những chiến công oai hùng của quân – dân An Giang trong kháng chiến chống Mỹ.

Responsive image
Đồi Tức Dụp

Căn cứ Ô Tà Sóc nằm dưới chân núi Dài (xã Lương Phi) với những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thích hợp cho những chuyến dã ngoại. Trong khi đó, đồi Tức Dụp nằm dưới chân núi Tô (xã An Tức), gắn liền giai thoại “ngọn đồi 2 triệu đô-la”. Căn cứ Tỉnh ủy cùng các hoạt động trong hệ thống hang của ngọn đồi được phục dựng lại, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí được nâng cấp giúp khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp trở nên hấp dẫn hơn.

Responsive image
Hồ Ô Tà Sóc

 

Du khách còn có thể tìm đến khu di tích lịch sử Ô Tà Sóc (xã Lương Phi), theo tiếng Khmer có nghĩa là suối ông Sóc, con suối bắt nguồn từ đỉnh núi Dài (Ngọa Long sơn). Đây là nơi Tỉnh ủy An Giang chọn làm căn cứ chỉ huy phong trào cách mạng, đánh địch trên các mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Du khách còn có thể đến thị trấn Ba Chúc thăm nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ những bộ hài cốt của đồng bào bị bọn diệt chủng Pôn Pốt tàn sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Responsive image
Nhà Mồ Ba Chúc

Ngoài những địa điểm này, du khách đừng quên đến chùa Xvayton hơn 300 năm tuổi nằm ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn. Ngôi chùa có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp và là nơi lưu giữ sách kinh lá của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang.

Chùa Xvayton là công trình kiến trúc nổi tiếng không chỉ của An Giang mà còn của cả nước. Chùa được xây dựng cách đây khoảng 300 năm, trên một khu đất rộng nằm ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn. Theo lời kể của các bậc cao niên, khi chưa cất chùa, nơi đây là rừng rậm hoang vu, dân cư thưa thớt, có nhiều cây cổ thụ và muông thú ở, bên cạnh các con đường mòn đi lại của người dân có nhiều đàn khỉ sinh sống, hằng ngày thường đu theo các cành cây níu kéo gánh của người dân gánh đồ đi chợ. Nêu sau này, khi chọn đất dựng chùa, các sư sãi đặt tên cho chùa là Xvayton (theo tiếng Khmer, Xvay là khỉ, ton là kéo, sau này người dân tộc đọc chệch là Xà Tón).

Responsive image

Lúc đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và lợp lá. Năm 1896, nhà chùa và nhân dân quanh vùng ra sức đào một cái hồ ở phía trước với diện tích khoảng 0,15ha để lấy đất tôn cao nền chùa, nên chùa được đắp cao 1,8m. Chánh điện nằm ngay trung tâm khuôn viên chùa, hình ảnh rắn thần Naga (tượng trưng cho sự bất diệt và dũng mãnh) nằm dài. Mái chùa được cấu trúc hình tam cấp ngói đỏ, xanh, vàng; trong ánh nắng, lớp mái ngói này hừng lên một sắc màu đẹp mắt. Qua hai năm xây dựng chùa được hoàn thành và có được diện mạo như ngày nay.

Đến năm 1933, cây kèo phía sau chánh điện hư hỏng, sãi cả Tà Um đã cho người thay bằng một cây kèo mới và xây thêm hai cột bêtông cốt sắt để phụ chống đỡ. Chùa Xvayton không chỉ nổi tiếng vì có kiến trúc nghệ thuật độc đáo và lịch sử lâu đời, mà đây còn được biến đến là nơi có vị sãi cả đã khởi xướng việc viết kinh trên lá buông để phục vụ cho thuyết giảng và lưu truyền cho đời sau trong điều kiện in ấn còn khó khăn. Ngày 12/12/1996, chùa Xvayton được Bộ Văn hóa ra Quyết định số 235/VH-QĐ công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Năm 2006 Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Xà Tón là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh có tại Việt Nam với hơn 100 bộ kinh viết trên là buông.

Chùa B52: Theo lời kể của sư sãi, à cha và những người lớn tuổi, chàu Snayđonkum do sư cả Knu Chau Sô có công khởi dụng vào năm 1718, bằng cây lá đơn sơ trên gò cao gần chân đồi Tức Dụp thuộc xã An Tức. Lúc bấy giờ, chùa có tên là Snayđonkum. Vì chùa nằm trên triền núi cao hoang vắng, cây mọc um tùm dân cư lại thưa thớt.

Responsive image

Khoảng năm 1945, khi dân cư xóm vườn soài phát triển đông hơn, phật tử của chùa cũng nhiều hơn nên chùa đã di dời chùa về ấp Phước Thọ xã Ô Lâm cách vị trí cũ 1km.

Năm 1968, chiến trường Bảy núi diễn ra ác liệt, đặc biệt là căn cứ cách mạng đồi Tức Dụp. Mỹ đã dùng các loại bom đạn đánh Tức Dụp, trong đó có một quả bom B52 rơi xuống chùa, đánh sập hoàn toàn ngôi chùa. Từ đó trong các mặt công tác của cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương khi cần sự liên hệ hay chỉ địa điểm liên lạc cơ sở cách mạng đều gọi tên chùa Svayđonkum là chùa B52, lâu dần rồi quen, mọi người cứ gọi là chùa B52 cho dễ nhớ, đó cũng là chứng tích của chiến tranh còn để lại tên Tri Tôn anh hùng.

Từ thị trấn Tri Tôn đi về hướng đồi Tức Dụp chỉ hơn 10km; chùa B52 cũng như những ngôi chùa Nam Tông Khmer Nam bộ khác, về kiến trúc phong tục lễ nghĩa; có khuôn viên trên 15.000m2 xung quanh là những cánh đồng xanh ngát, không khí trong lành yên tĩnh; các công trình kiến trúc đã được tu sửa nhiều lần, riêng chánh điện phải trùng tu theo quy định di tích, bởi chùa được công nhận Di tích lịch sử Cách mạng.

Đối với các bạn trẻ thích khám phá, chụp ảnh không thể bỏ qua thắng cảnh nổi tiếng chùa Tà Pạ (xã Núi Tô) mang vẻ đẹp kỳ bí. Chùa Tà Pạ nằm trên đỉnh đồi Tà Pạ nhưng lại không được xây trên nền đất bằng phẳng, mà được xây trên những cột chống đỡ vững chắc cao hàng chục mét, nên khi nhìn từ xa ngôi chùa như đang lơ lửng giữa không trung, nổi bật giữ rừng núi hoang sơ. Ngôi chùa có bầu không khí rất mát mẻ, thoáng đãng tạo cho mọi người khi đến đây có cảm giác thư giã và bình yên đến vô cùng, nếu bạn đang tìm cho mình một chốn vừa yên tĩnh vừa có cảnh đẹp thì chùa Tà Pạ chính là điểm đó. Ngoài cái tên Chùa Tà Pạ, người dân nơi đây còn gọi chùa này là Chùa Núi (Chùa Chưn-Num theo tiếng Khmer) là ngôi chùa theo Phật giáo Khmer Nam Tông và được xây theo kiến trúc Khmer đặc trưng.

Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng của núi đồi, nhà cửa và đồng lúa mênh mông bạt ngàn. Theo con đường mòn từ chùa đến lưng chừng đồi, du khách sẽ phát hiện một hồ nước được hình thành từ việc khai thác đá – Hồ Tà Pạ.

Hồ Tà Pạ: Có vị trí khá gần thị trấn Tri Tôn chỉ cách 1km, nhưng Hồ Tà Pạ lại khiến bạn phải bất ngờ với vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí. Nước hồ ở mỗi khúc lại có màu sắc khác nhau. Có khúc màu xanh lục, có khúc màu xanh lơ, khúc màu ngọc bích, khúc màu vàng, màu cam… Hồ Tà Pạ là một hồ nước được hình thành từ việc khai thác đá, vô tình đã tạo nên một hồ đá chứa nước trên núi Tà Pạ, tạo nên cảnh quan thật đẹp, như bức tranh thủy mặc, làm cho biết bao người phải trầm trồ. Giống như các hồ nước trong vùng Thất Sơn, đường vào hồ Tà Pạ còn rất hoang sơ và yên tĩnh. Cảnh sắc xung quanh hồ khá đẹp, với núi non hùng vĩ bao quanh. Từ hồ Tà Pạ, phóng tầm mắt du khách sẽ thấy núi Cô Tô (Phụng Hoàng sơn). Ngay ở chân núi có hồ Soài So (xã Núi Tô) do suối Vàng bắt nguồn từ đỉnh núi chảy qua các vồ đá, khe núi rồi đổ về hồ. Đến đây, du khách sẽ không khỏi chớp mắt trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi Cô Tô soi bóng xuống mặt nước hồ phẳng lặng trong vắt, tô đậm thêm nét quyến rũ nên thơ.

Cách đó không xa, hồ Soài Chek và hồ Ô Thum là những hồ trữ nước phục vụ sản xuất và phòng, chống cháy rừng nhưng do nằm dưới chân núi Cô Tô nên tạo thành một cảnh đẹp tĩnh lặng giữa núi rừng, thu hút những người yêu thích thiên nhiên và những bản trẻ thích khám phá, chụp ảnh.

Hồ Soài So: nằm tại sườn phía Đông của dãy núi Cô Tô, trên địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Khi vào đến hồ, bạn sẽ không khỏi chớp mắt trước một vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi Cô Tô và sự độc đáo của bờ hồ, nước dưới hồ trong vắt, mặt nước phẳng lặng, càng làm tô đậm thêm nét quyến rũ cho khu hồ này. Hồ Soài So có phong cảnh đẹp nên thơ với bầu khí hậu mát mẻ, trong lành. Đây là nơi thích hợp để vừa nghỉ ngơi, thư giãn và tham quan phong cảnh núi non.

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===