Tiềm năng đầu tư phát triển

Tiềm năng đầu tư phát triển

Tiềm năng đầu tư phát triển

23/01/2019

1. Địa hình:

Địa hình huyện Tri Tôn mang đậm nét của vùng đồng bằng kênh rạch nhưng có xen lẫn nhiều đồi núi với điểm cao nhất là đỉnh núi Cô Tô 614m (so với mặt nước biển), khu vực đồng bằng có độ cao dao động từ 0.8m -2.2m. Bao bọc chung quanh núi là đồng bằng chân  núi, dạng địa hình chuyển tiếp giữa núi và đồng bằng tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên.

Đây là một dạng địa hình đặc thù ít có ở vùng ĐBSCL, do địa hình có nhiều đồi núi hiểm trở, trước đây Tri Tôn đã từng là căn cứ cách mạng với nhiều di tích lịch sử, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên có nhiều lợi thế phát triển. Đồng thời Tri Tôn là địa bàn tiếp giáp với Hà Tiên (khu du lịch biển nổi tiếng của vùng ĐBSCL), nên các tuyến du lịch chất lượng cao được hình thành, góp phần cho du lịch Tri Tôn phát triển. Song song đó, địa hình Tri Tôn có nhiều đồi núi cao, đây cũng là lợi thế để tránh lũ lớn bất thường, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và vật nuôi.

Responsive image

Địa hình huyện Tri Tôn có sự xen kẻ giữa đồng bằng và đồi núi

 Tri Tôn được biết đến là địa phương có hệ thống kênh rạch tương đối dày đặc với những kênh chính như: kênh Tám Ngàn, Vĩnh Tế, Vĩnh Thành, Mặc Cần Dưng, Tri Tôn, kênh 10, 11, 12, 13, Tân Vọng, Châu Phú, T4, T5, T6, kênh 15 mới, kênh Phú Tuyến, kênh Huệ Đức, kênh Cà Na, kênh Ninh Phước, Năm Xã, H7, Tân Tuyến, Ranh Tây…, hệ thống kênh mương này vừa có thể phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt và giao thông đường thủy vừa đóng vai trò quan trọng trong việc rửa phèn và cải tạo đất và là hệ thống thoát lũ ra biển Tây.

Cùng với huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh An Giang. Với hai loại rừng là rừng tự nhiên và rừng trồng, những năm gần đây, huyện đã tập trung phát triển rừng trồng, phủ xanh đồi trọc. Tính riêng năm 2008, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện là 8.130,23 ha. Trong đó, rừng sản xuất là 3139,17 ha (chiếm 38,61%); rừng phòng hộ 4666,83 ha (chiếm 57,40%) và rừng đặc dụng là 324,23 ha (chiếm 14,01%).

Hầu hết diện tích là rừng trồng với các loại cây phát triển nhanh như cây bạch đàn, keo lá tràm, tai tượng và một số cây gỗ quý như sao, dầu, giáng hương, dó bầu và nhiều loại cây ăn quả lâu năm. Hiện độ che phủ rừng trên địa bàn huyện Tri Tôn đạt 14,25% cao hơn mức độ che phủ chung của tỉnh (4%). Tỷ lệ che phủ cao là điều kiện phục hồi nhanh các hệ sinh thái rừng và duy trì hệ động vật rừng gồm các loài thú, loài bò sát, các loài chim và các loài thủy sản rừng ngập nước.

Động vật trong rừng khá phong phú với nhiều chủng loại như khỉ, heo rừng, trăn, rắn... và các loài chim. Có thể nói, rừng là lợi thế của huyện Tri Tôn trong việc bảo tồn nguồn GEN quý kết hợp với việc phát triển ngành du lịch sinh thái.

Responsive image

Tràm – Loại cây có nhiều điều kiện phát triển tại Tri Tôn

 2. Tài nguyên khoáng sản:

Tri Tôn là địa bàn có nhiều chủng loại khoáng sản tương đối phong phú, bao gồm đá xây dựng các loại có trữ lượng khoảng 144 triệu m3, cao lanh và sét nguyên liệu sản xuất gạch ngói có trữ lượng khoảng 9,4 triệu m3, than bùn có trữ lượng khoảng 14 triệu tấn và diatomit khoảng 177 ngàn tấn.

Responsive image

Nguồn nguyên liệu đá ở Tri Tôn rất phong phú

Ngoài ra, trên địa bàn thị trấn Tri Tôn còn có nước khoáng có thể khai thác sản lượng 790 m3/ngày, là nước khoáng thiên nhiên đóng chai có thể khai thác công nghiệp phục vụ tiêu dùng. Hiện có khoảng 7 khu vực mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và sét làm gạch ngói với tổng diện tích theo giấy phép 193 ha (trong đó khai thác sét gần 7 ha và có 01 mỏ đá gần 10 ha ngưng khai thác) và 10 khu vực khoáng sản được UBND tỉnh cho phép khai thác tận thu tại huyện Tri Tôn, bao gồm 1 khu cao lanh, 1 khu sét nguyên liệu sản xuất gạch ngói và 8 khu khai thác than bùn với 78,47 ha (trong đó than bùn chiếm diện tích nhiều nhất 10,59 ha).

Hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như tạo việc làm cho người dân địa phương, cung cấp nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng trong tỉnh và cho vùng ĐBSCL.

3. Tiềm năng du lịch và văn hóa:

Tri Tôn vừa có địa hình kênh rạch xen lẫn đồi núi - rừng tạo lên nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú kết hợp nhiều di tích lịch sử bởi nơi đây từng là vùng kháng chiến trong thời kỳ chống Mỹ và cũng là nơi diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Hiện, Tri Tôn có 02 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là Tháp An Lợi, Hố Thờ và 04 khu di tích được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Khu di tích Đồi Tức Dụp; Khu di tích nhà mồ Ba Chúc (gồm nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai); Chùa Xvayton và Khu di tích Ô Tà Sóc. Nhân dân huyện Tri Tôn đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Responsive image

Tri Tôn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị

Bên cạnh đó, do trên địa bàn Tri Tôn ngoài người Kinh chiếm đa số thì người Khmer chiếm tỷ lệ cao (gần 40%), còn lại là người Hoa và một ít dân tộc khác. Các dân tộc nói chung đã hòa nhập thành cộng đồng dân cư và sinh sống đoàn kết, gắn bó...

Nhờ đó Tri Tôn có nhiều chùa chiền Phật giáo Nam tông mang hình thái kiến trúc của người Khmer, một số chùa được công nhận và xếp hạng di tích cùng nhiều lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của người Kinh (Tết Nguyên Đáng, Đoan Ngọ,…), của người Khmer (lễ Dolta kết hợp lễ hội đua bò Bảy Núi, Cholchnam Thomay,…) và người Hoa khá độc đáo đã trở thành điều kiện, tiềm năng để du lịch Tri Tôn phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của huyện trong tương lai.

4. Tiềm năng dân số và lao động:

Tính đến năm 2008, dân số huyện Tri Tôn là 127.426 người (chiếm 5,65% dân số toàn tỉnh), gần thấp nhất tỉnh, chỉ hơn TX.Châu Đốc; Mật độ dân số huyện 212 người/km2, thưa nhất tỉnh (toàn tỉnh 631 người/km2). Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm của Tri Tôn giai đoạn 2000-2008 khoảng 1,52% (toàn tỉnh 1,02%, ĐBSCL khoảng 1,05%, cả nước khoảng 1,47%).

Responsive image

Lĩnh vực du lịch sẽ hứa hẹn thu hút nhiều lao động

Dân số thành thị trên địa bàn huyện tăng nhanh đạt tốc độ trung bình 11,7% trong thời kỳ 2001-2008; Hiện nay dân số thành thị chiếm khoảng 24% (chủ yếu tập trung ở Thị trấn Tri Tôn và Ba Chúc), còn lại phần lớn tập trung ở khu vực nông thôn .

Trình độ học vấn của dân cư trong huyện cũng từng bước được nâng cao; tính đến năm 2008, huyện có 14/15 xã phổ cập giáo dục chống mù chữ, đạt tỷ lệ 96,8. Đến năm 2008, số lao động tăng lên 76.710 người (chiếm 60,2% dân số toàn huyện), vượt ngưỡng “dân số vàng” (50%). Lao động làm việc trong các ngành kinh tế tăng qua các năm. Ước năm 2010, có khoảng 70,6 ngàn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế. Nhịp độ tăng trưởng lao động bình quân khoảng 1,7%/năm giai đoạn 2006-2010.

Lao động làm việc trong ngành công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện còn ở quy mô nhỏ, nhưng tăng nhanh trong thời gian qua, nhịp độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 dự kiến tăng khoảng 7,4%/năm. Đồng thời với việc gia tăng quy mô, thì tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng cũng có xu hướng tăng, từ 6,0% vào năm 2005 và ước tính chiếm khoảng 7,9% vào năm 2010.

Lao động trong khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng qui mô và tỷ trọng. Nhịp độ tăng trưởng lao động bình quân giai đoạn 2006-2010 ước đạt 2,7%/năm. Tỷ trọng lao động khu vực dịch vụ ước chiếm khoảng 26,1% vào năm 2010.

Responsive image

Từ những chuyển biến trên cho thấy, cơ cấu lao động của huyện Tri Tôn có sự  chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch của cơ cấu kinh tế huyện. Lao động di chuyển từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất cao và nâng cao năng suất lao động của cả nền kinh tế.  Nếu tiếp tục được đào tạo, thì lực lượng lao động tại chỗ này sẽ là yếu tố quan trọng góp phần để huyện thu hút đầu tư. 

=== CHÀO MỪNG 190 THÀNH LẬP TỈNH AN GIANG (1832 - 2022) ===